Máy bay Air Asia có thể đã đối mặt núi mây vũ tích

  •  
  • 949

Các yếu tố thời tiết bất lợi như giông bão hay hiện tượng đóng băng máy bay có thể ảnh hưởng đến hành trình của phi cơ AirAsia. Khi phi cơ biến mất, trong vùng có đám mây tích mưa (mây vũ tích) cao chót vót, phồng lên ở độ cao hơn 15km.

Các chuyên gia hàng không yêu cầu cần thận trọng khi đưa ra đánh giá nguyên nhân gây sự cố máy bay, trong đó có các yếu tố thời tiết, hỏng hóc kỹ luật hay lỗi của phi công. Tuy nhiên, dữ liệu thời tiết có sẵn có thể đưa ra giả thiết về tác động của điều kiện thời tiết hay khí hậu đối với hoạt động bay, và trở thành vấn đề trọng tâm trong bất kỳ cuộc điều tra nào.

Theo tuyên bố của hãng hàng không AirAisia, cơ trưởng chuyến bay AirAsia QZ8501 đã xin phép chuyển hướng và nâng độ cao của phi cơ trong cuộc liên lạc cuối cùng với đài kiểm soát không lưu trước khi mất tích, vì điều kiện thời tiết không thuận lợi. Tuy nhiên, đài kiểm soát không lưu không thể chấp thuận yêu cầu nâng độ cao lên 9,8km lên 11,5km vì có một phi cơ khác đang hoạt động phía trên.

Thời tiết phức tạp

Máy bay Air Asia có thể đã đối mặt núi mây vũ tích
Hình ảnh vệ tinh hôm 28/12 cho thấy, xung quanh thời điểm máy bay của AirAsia mất tích có các dấu hiệu của cơn bão lớn trong vùng lân cận. (Ảnh: NOAA)

Hình ảnh vệ tinh ghi lại tại thời điểm máy bay mất tích mô tả các mô hình phức tạp của giông bão, với những đám mây tích mưa cao chót vót, phồng lên ở độ cao hơn 15km.

Hiện tượng mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng đã được ghi nhận ở khu vực này trong nhiều tuần trở lại đây. Một quan chức của cơ quan khí tượng Indonesia nói với WSJ rằng các đám mây tích mưa dạng thẳng đứng và dày đặc được quan sát trên đường bay của QZ8501.

"Nói chung, mây tích mưa khá nguy hiểm với hoạt động hàng không vì nó gây bão có sấm sét và mưa to", WSJ dẫn lời quan chức giấu tên nói. Điều này có thể giải thích tại sao gần 40 phút sau khi cất cánh, phi công lại xin phép nâng độ cao.

Thêm vào đó, khu vực máy bay được quan sát lần cuối cùng thuộc Vùng hội tụ giữa hai chí tuyến (Intertropical Convergence Zone), một khu vực thời tiết biến động. Đây là khu vực gần xích đạo nổi tiếng với các cơn bão lớn, nơi gió mậu dịch ở bán cầu bắc và bán cầu nam giao nhau. ITCZ được cho là một trong những nguyên nhân đằng sau vụ mất tích bí ẩn của máy bay Air France trên Đại Tây Dương vào năm 2009.

Máy bay Air Asia có thể đã đối mặt núi mây vũ tích
Mô phỏng độ cao của QZ8501 và đám mây tích mưa. (Đồ họa: Weather Channel)

Bão và mưa lớn, hình thành dọc vùng ITCZ, đã ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á trước đó, gây lũ lụt và buộc hàng chục nghìn người ở Indonesia, Malaysa, Thái Lan và Sri Lanka phải di tản.

Tim Vasquez, nhà khí tượng học từng làm việc cho không quân Mỹ, phân tích các dữ liệu thời tiết sẵn có và thừa nhận rằng, dù có sự hiện diện của bão mạnh, thì sự bất ổn của khí quyển không đủ mạnh để gây nhiễu loạn hay hiện tượng gió giáng đột ngột (microburst).

Tuy nhiên, Vasquez tin rằng chiếc máy bay có thể gặp phải hiện tượng đóng băng trên máy bay, khiến trọng lượng máy bay lớn hơn và làm gián đoạn dòng không khí qua bộ phận cánh. Nhà khí tượng nhận định thời tiết là một nhân tố, hoặc một nhân tố kết hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá dựa trên thông tin khí tượng, chưa phải quyết định cuối cùng về nguyên nhân vụ mất tích máy bay.

Vai trò của phi công

Theo phi công thương mại Ron Baker, trong một hành trình bay, họ muốn tránh các cơn giông bão mạnh từ ít nhất 30km (tính theo phương ngang). Giống như mọi phi cơ hiện đại khác, chiếc máy bay Airbus 320 của AirAsia được trang bị hệ thống radar thời tiết trên khoang, giúp phi công xác định khu vực có lượng mưa lớn hay vị trí tâm bão, cường độ và khoảng cách. Hiển thị radar thường chồng lên hiển thị điều hướng, cho phép họ quan sát khu vực ảnh hưởng của thời tiết đến đường bay. Thông tin này, cùng với tư vấn từ trạm kiểm soát không lưu và báo cáo khác của phi công, được sử dụng để đưa ra quyết định quy trình bay an toàn quanh các khu vực thời tiết.

Máy bay Air Asia có thể đã đối mặt núi mây vũ tích
Giông bão dữ dội (hiển thị màu đỏ) với độ cao hơn 15km gần đường bay của phi cơ AirAsia. (Ảnh: ABC News)

Thông thường, phi công sẽ gửi yêu cầu bay chênh lệch ở mức độ nhỏ, đủ để điều hướng và tránh bão. Đôi khi, phi cơ thậm chí có thể bay lên cao hơn. Trong trường hợp các lỗ hổng trong đường đi của bão quá nhỏ, hoặc độ cao của bão quá lớn khiến máy bay không thể vượt lên trên, di chuyển lệch hướng hay đi bằng đường khác sẽ được yêu cầu. Dù thời tiết rất khó dự đoán, phi công vẫn có các phương án xử lý để họ đưa ra khi quyết định cách thức bay an toàn, thậm chí khi điều đó đồng nghĩa rằng phải thay đổi đường bay, hay chuyển hướng đến sân bay khác.

Theo Vnexpress
  • 949