Bằng chứng cổ nhất về bệnh phong ở Ấn Độ

  •   53
  • 1.318

Nhóm nghiên cứu gồm một nhà nhân chủng học thuộc đại học Appalachian State, một sinh viên cùng trường, một nhà sinh học tiến hóa đến từ UNC Greensboro, và nhóm các nhà khảo cổ thuộc đại học Deccan (thành phố Pune, Ấn Độ), mới đây đã báo cáo về kết quả phân tích một bộ xương được phát hiện tại Ấn Độ mang bằng chứng về bệnh phong. Bộ xương này vừa là bằng chứng khảo cổ lâu đời nhất về việc con người bị nhiễm loại vi khuẩn Mycobacterium lepra, vừa là bằng chứng đầu tiên về một dịch bệnh trong lịch sử Ấn Độ cổ đại.

Nghiên cứu đã được công bố trên tờ PLoS One. Nội dung nghiên cứu cho rằng bệnh phong đã có mặt ở Ấn Độ giai đoạn cuối của Văn Minh Indus (2000 năm trước CN) và cung cấp các thông tin ủng hộ cho giả thuyết về con đường lây truyền bệnh này thời tiền sử. Phát hiện này cũng ủng hộ cho giả thuyết rằng kinh Vệ Đà Atharva viết bằng tiếng Sanskrit, được sáng tác trước thiên niên kỉ thứ nhất trước CN, là tài liệu cổ nhất nói về bệnh phong và rằng tục lệ chôn cất người chết vào thiên niên kỉ thứ hai trước CN ở một làng tây bắc Ấn Độ có một số điểm tương đồng với tục lệ của người Hindu ngày nay.

Trong khi các bệnh truyền nhiễm dần được khám phá thì bệnh phong vẫn là một trong số những căn bệnh bí ẩn nhất, một phần vì vi khuẩn Mycobacterium rất khó nuôi cấy để nghiên cứu, một phần vì vi khuẩn này chỉ sống kí sinh trên người và loài trúc chín khoang (nine-banded armadillo). Người ta thường cho rằng bệnh này có nguồn gốc từ Ấn Độ hoặc Phi châu, dựa trên thực tế lịch sử về sự lan rộng của các bệnh dịch từ châu Á tới châu Âu qua các đạo quân của Alexander Đại đế sau năm 400 trước CN. Bằng chứng về bệnh phong từ bộ xương giới hạn lại khoảng thời gian lây truyền là khoảng giữa năm 300 và năm 400 trước CN, tại Ai Cập và Thái Lan.

Một báo cáo về hệ gen của vi khuẩn Mycobacterium do Monot cùng đồng nghiệp công bố trên tạp chí Sience năm 2005 cho rằng bệnh phong có lẽ không phải bắt nguồn từ châu Phi Hậu kì Cánh tân, và vi khuẩn M. leprae lan truyền tới châu Phi ở thời điểm nào đó cách đây chưa tới 40.000 năm, khi loài người còn sống với mật độ thưa thớt. Một giả thuyết trái ngược được đăng cùng số tạp chí nói trên là của Pinhasi và các đồng nghiệp; họ cho rằng các dữ liệu như vậy có thể là bằng chứng cho thấy bệnh này lan ra bên ngoài Ấn Độ vào Hậu kì Holocence, sau khi các trung tâm đô thị lớn phát triển.

Tiến sĩ Robbins cùng các đồng nghiệp báo cáo trường hợp nhiễm phong ở một bộ xương được chôn khoảng năm 2000 trước CN tại Rajasthan, Ấn Độ, tại khu vực Balathal. Từ năm 3700 tới năm 1800 trước CN, Balathal là một vùng thuộc địa trồng trọt giáp với Văn minh Indus. Thời kì cuối của Văn minh Indus suốt nửa sau của thiên niên kỉ 3 trước CN là một giai đoạn đầy phức tạp về mặt xã hội, với sự ra đời của đô thị hóa, hệ thống chữ viết, đơn vị cân nặng và đo lường chuẩn hóa, những công trình kiến trúc hoành tráng, và mạng lưới buôn bán trải tới tận Mesopotamia và xa hơn nữa.

Sọ người. A) Nhìn từ phía trước có thể thấy thương tổn do bị ăn mòn từ hai phía ở vùng trên ổ mắt và giữa hai lông mày, ăn mòn ở hai vành lỗ mũi, bao gồm xương sống mũi nhìn từ phía trước, hoại tử từ hai phía của vùng dưới ổ mắt của hàm trên, và sự mất dần của vùng ổ răng hàm trên có liên quan tới rụng răng trước khi tử vong. B) Quan sát bên trong của hàm trên cho thấy các thay đổi bệnh lý dẫn tới u vòm miệng, bao gồm các vết rỗ gần vùng ổ răng. (Ảnh: Robbins et al., DOI: 10.1371/journal.pone.0005669)

Sự xuất hiện của bệnh phong ở Ấn Độ cho tới cuối giai đoạn này cho thấy vi khuẩn M. leprae đã tồn tại ở Nam Á ít nhất 4000 năm trước. Điều này gợi ý rằng giả thuyết của Pinhasi và các đồng nghiệp có thể có lý khi nói rằng bệnh này đã lan ra vùng giữa châu Phi và châu Á trong thời kì bắt đầu hình thành các đô thị, khi mật độ dân cư bắt đầu đông đúc hơn, và thường xuyên có các mạng lưới buôn bán liên lục địa. Tiến sĩ Robbins hiện đang cố gắng khôi phục lại mẫu DNA cổ từ bộ xương để xác định xem loại vi khuẩn M. laprae gây bệnh ở một người ở Balathal liệu có giống như loại phổ biến ở châu Phi, châu Á và châu Âu ngày nay. Nếu thành công, việc này có thể làm sáng tỏ thêm nguồn gốc và con đường lan truyền dịch bệnh này.

Hiểu thêm về bệnh phong có thể giúp làm rõ một vài điều ngộ nhận phổ biến. Chính những ngộ nhận này có liên quan tới việc nhiều người mắc bệnh phong bị ruồng bỏ ra khỏi những trung tâm đô thị cuối kì Kinh thánh và kì Trung cổ. Thực tế, bệnh phong chỉ được lan truyền qua tiếp xúc lâu dài với nước mũi hoặc những vùng bị nhiễm trên cơ thể người bệnh. Bệnh không dễ lây và việc nhiễm bệnh có thể âm ỉ trong vài chục năm. Hầu hết những người nhiễm khuẩn Mycobacterium leprae có rất ít hoặc thậm chí không có triệu chứng biểu hiện nào. Do bệnh phong rất khó lây và sự tồn tại của nó phụ thuộc vào mật độ dân số cao, nên có lẽ mối liên hệ giữa bệnh này và môi trường đô thị là điều duy nhất chính xác trong số những hiểu biết phổ biến của con người về phong.

Sự tồn tại của bệnh phong ở Balathal 4000 năm trước cũng hỗ trợ cho việc dịch sách giấy cói của Eber ở Hi Lạp và một văn bản chữ Sanskrit ở Ấn Độ (kinh Vệ Đà Aitharva) có nói tới bệnh này những năm 1550 trước CN. Kinh Vệ Đà Atharva là một bộ thánh ca Sanskrit miêu tả những vấn đề về sức khỏe, nguyên nhân và cách chữa trị trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Việc dịch các đoạn viết về bệnh phong đã thật sự là một thử thách vì rất khó có thể chẩn đoán được đây là bệnh gì dựa trên những miêu tả như trong văn bản cổ, bởi trong văn bản này người ta mô tả những triệu chứng bệnh không phải là để chẩn đoán bệnh. Bằng chứng lấy từ Balathal cho thấy có thể các tác giả đã miêu tả bệnh phong khi nó có mặt ở tiểu lục địa này thời kì tiền sử.

Hơn nữa, trong tục lệ hiện nay của người Hindu, chôn cất không còn phổ biến trừ khi người chết là thành viên rất được kính trọng trong cộng đồng (một nhà tu hành khổ hạnh chẳng hạn) hoặc cá nhân không thích hợp với vai trò một vật tế. Những cá nhân này bao gồm: người bị khai trừ khỏi đẳng cấp, phụ nữ có thai, trẻ con dưới 5 tuổi, nạn nhân của lời nguyền hoặc ma thuật và người bị bệnh phong. Trong suốt thiên niên kỉ thứ hai trước CN, khi các khu định cư Indus bắt đầu tan rã và những khu định cư mới nhỏ hơn nở rộ khắp nửa tây bán đảo Ấn Độ, tục chôn cất người lớn trở nên hiếm gặp, chủ yếu kết quả khai quật thu được là những bộ xương trẻ em dưới 5 tuổi. Và người bị bệnh phong mà các nhà khảo cổ đã thu được bộ xương chỉ là một trong số 5 thành phần được chôn cất trong khu vực Balathal (những người còn lại là phụ nữ trung niên, nhà tu hành từ thời Lịch sử Cổ đại, và một xương đòn vỡ thành nhiều mảnh tìm thấy cùng bộ xương hủi).

Ngoài ra, một đặc tính nữa của việc mai táng này cũng có sự tương đồng với tinh thần kinh Vệ Đà chính là mảnh đất chôn cất. Bộ xương người mắc phong được chôn giữa một khoảnh đất có hàng rào đá rải đầy tro đốt từ phân xúc vật, loại tro thể hiện sự long trọng và gột sửa theo truyền thống tôn giáo Ấn Độ cổ. Phát hiện bộ xương tại Balathal, cũng như cách thức người cổ đại chôn cất người bị phong, và chủ yếu chỉ có xương trẻ nhỏ được thu thập từ thời kì này trở đi trên khắp miền tây Ấn Độ gợi ý rằng đây chính là thời điểm bắt nguồn những tục lệ phổ biến của đạo Hindu ngày nay.

Hiện bộ xương của người mắc phong hiện đang được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Sau Đại học thuộc trường đại học Deccan tại Pune, Ấn Độ.

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 53
  • 1.318