Đằng sau sự sụp đổ của đế chế Maya

  •  
  • 4.689

Các thành bang của đế chế Maya cổ đã phát triển cực kỳ hưng thịnh ở phía nam Mexico và phía bắc của Trung Mỹ trong khoảng 6 thế kỷ. Sau đó, vào khoảng năm 900 sau CN, nền văn minh Maya sụp đổ.

Hai nghiên cứu được thực hiện gần đây khảo sát các lý do dẫn tới sự tan vỡ của nền văn hóa Maya kết luận rằng chính bản thân người Maya góp phần tạo ra sự suy tàn này.

Bằng phương pháp mô phỏng mô hình thời tiết, các nhà khoa học tìm ra rằng hạn hán đóng vai trò chính, nhưng người Maya dường như đã làm trầm trọng thêm vấn đề bằng cách chặt phá rừng để lấy đất xây dựng thành phố và canh tác mùa màng.

“Chúng tôi không nói rằng chặt phá rừng là toàn bộ nguyên nhân dẫn tới hạn hán, nhưng đó là lý do đáng kể dẫn tới tình trạng khô hạn ở nơi đây", Benjamin Cook, nhà khoa học nghiên cứu mô hình khí hậu ở ĐH Columbia và là trưởng nhóm nghiên cứu, nói.

Bằng cách mô phỏng các mô hình thời tiết, ông Cook và các đồng nghiệp xem xét việc chuyển đổi từ rừng sang trồng trọt cây lương thực, như ngô, làm thay đổi khí hậu như thế nào. Kết quả cho thấy khi tình trạng chặt phá rừng lên tới cực đại thì nó có thể đóng góp tới 60% tình trạng hạn hán. Sự chuyển đổi từ cây rừng sang ngô làm giảm lượng nước chuyển từ đất lên khí quyển - ảnh hưởng tới lượng mưa.

Đền thờ ở Tikal, một trong những thành bang Maya chính.
Đền thờ ở Tikal, một trong những thành bang Maya chính. (Nguồn: Livescience)

“Sự sụp đổ và bỏ hoang của Maya ở bán đảo Yucatán là kết quả của mối tương quan con người - môi trường phức tạp", nghiên cứu đăng trên tạp chí PNAoS hôm 20/8 nhận xét.

Việc chặt phá rừng của người Maya làm tình trạng hạn hán thêm trầm trọng, xảy ra đúng vào thời gian đế chế này lụi tàn và dân số giảm mạnh.

Ngoài ra, sự thay đổi địa hình nơi đây cũng khiến đất bị xói mòn. Một số bằng chứng khảo cổ cho thấy khu vực này phải chịu áp lực lớn, ví dụ như cây hồng xiêm - thường được dùng để lấy gỗ làm dầm xây nhà - không còn được trồng ở địa điểm Tikal và Calakmul cho tới năm 741 tr.CN. Những động vật có vú lớn như hươu đuôi trắng cũng giảm mạnh số lượng vào thời kỳ Maya suy tàn.

Yếu tố chính trị và xã hội góp phần dẫn tới sự suy tàn. Những con đường thương mại được chuyển từ đường bộ qua bán đảo Yucatán sang vận chuyển bằng tàu biển. Sự thay đổi này khiến các thành bang yếu đi, kết hợp với các thách thức môi trường, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong xã hội.

Cấu trúc kinh tế chính trị cũ yếu dần, nên tầng lớp nông dân và thợ thủ công và những thành phần khác bỏ nhà cửa và thành phố của mình để đi tìm cơ hội kinh tế mới ở những nơi khác, để lại các thành phố hoang tàn và suy vong.

Theo Đất Việt, Livescience
  • 4.689