Phát hiện, khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học thời kỳ đồ đá

  •  
  • 1.331

Trong năm nay, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện được nhiều di chỉ khảo cổ học có niên đại khác nhau thuộc các giai đoạn thời kỳ đồ đá cũ, đá mới và sơ kỳ kim khí.

>>> Tìm thấy cổ vật niên đại ước trên 2.500 năm tại Long An

Nhiều di tích khảo cổ học tiền sử ở Đắk Nông có nét tương đồng với khảo cổ học tiền sử Tây Nguyên, được phân bố rộng trên địa bàn tỉnh.

Khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học thời kỳ đồ đáGiám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông Nguyễn Anh Bằng cho biết trong năm nay, qua quá trình điều tra khảo sát, Bảo tàng tỉnh đã phát hiện 35 điểm di chỉ khảo cổ học ở các huyện Cư Jút, Đắk R’lấp và Đắk Mil. Hiện nay công tác khai quật, sưu tầm đang được tiến hành ở một số điểm.

Bên cạnh đó, việc tìm các nhân chứng lịch sử để có thể truyền đạt hay tái hiện lại quy trình sản xuất một số hiện vật từ xa xưa theo đúng nguyên bản đang được tiến hành. Tại điểm thôn 6, xã Hưng Bình (huyện Đắk R’lấp), phát hiện nhiều cổ vật giai đoạn đá cũ và thời kỳ sơ kỳ kim khí.

Sang thời đại đá mới, cùng với cuộc cách mạng công cụ bằng đá với các kỹ thuật chế tác đá và nông nghiệp chăn nuôi, trồng trọt hình thành; đồng thời cũng hình thành nên những trung tâm cư dân lớn như cụm di tích thôn 8, huyện Chư Jút mà sản phẩm chính là rìu mài lưỡi hình bầu dục bằng đá.

Tại thôn 8 A, xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil), phát hiện các mảnh và bàn mài nằm rải rác trong rẫy cà phê, đoàn khảo sát thu lượm được nhiều hiện vật gồm: công cụ đá ghè đẽo dạng đá cũ văn hóa Hòa Bình; bàn mài, mảnh tước, đá có lỗ, đá nguyên liệu và phác vật rìu đá và mảnh gốm, công cụ hình bầu dục. Tại đây còn phát hiện nhiều hạch đá, hòn ghè và mảnh tước, mảnh đá được sơ chế và có kích thước trung bình.

Địa điểm tại Thôn 8, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, phát hiện một số mảnh đá, mảnh tước, bàn mài đá sa thạch, đá có lỗ bằng đá cát, công cụ cuội ghè, phác vật… Nhóm di vật đá cũ ở Thôn 6, xã Hưng Bình, có nhiều công cụ ghè đẽo thô sơ làm từ đá basalte dạng chopper, đốc cầm dày, đầu còn lại mũi nhọn hoặc có rìa lưỡi và những công cụ đa năng dạng rìu tay, công cụ mảnh.

Từ đầu tháng Chín đến nay, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã tổ chức đợt khai quật lần thứ 2 di chỉ thuộc thôn 8, xã Ðắk Wil, huyện Cư Jút, qua đó phát hiện thu nhặt được 40 mảnh gốm, 248 vật dụng, vật liệu bằng đá trong thời kỳ đá mới cách nay 5.000 năm.

Các hiện vật đá ở di chỉ phần lớn là các phác vật đá hình bầu dục và hình lưỡi rìu. Ngoài ra di chỉ thôn 8 A xã Đưc Mạnh, huyện Đắk Mil, được phát hiện năm 2005 và đến năm 2006.

Trong năm nay, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh đã tổ chức khai quật lần thứ nhất, cũng thu về hơn 200 hiện vật đá cùng hàng ngàn mảnh tước. Cũng trong năm, Bảo tàng tỉnh còn tìm được 26 hiện vật của người M’Nông, Ê Đê như hoa tai, ngà voi, dụng cụ săn bắt voi, trống, chiêng, chén, đồ đồng.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • 1.331