Khí hậu chứ không phải người đã giết chết voi ma mút

  •  
  • 646

Địa bàn cư trú của voi ma mút chuyển từ lạnh khô sang nóng ẩm, dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng. (Ảnh: Antelope Valley Indian Museum)
Voi ma mút và các loài khác có thể đã tuyệt chủng hơn 10.000 năm trước đây vì đột biến khí hậu, chứ không phải vì bị loài người săn bắn quá mức, một nghiên cứu mới đây cho biết.

Việc định tuổi bằng phóng xạ carbon 600 bộ xương bò rừng bizon, nai sừng tấm Bắc Mỹ và con người (những loài sống sót qua kỳ tuyệt chủng lớn) và tàn tích của voi ma mút cũng như ngựa hoang Equus ferus (không qua khỏi cửa ải định mệnh đó) cho thấy con người không phải là thủ phạm của vụ tuyệt diệt này.

Các nhà khoa học từng đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau để giải thích cho sự biến mất của voi ma mút và loài ngựa hoang Equus ferus, trùng với thời điểm loài người có mặt tại trung Á và Bắc Mỹ hơn 12.000 năm trước.

Một giả thuyết cho rằng một loại bệnh cực độc là thủ phạm của tình trạng này. Giả thuyết khác lập luận chính con người đã tiêu diệt các sinh vật ăn cỏ, dẫn dến những thay đổi trong thảm thực vật mà hậu quả là sự tuyệt chủng trên quy mô lớn.

Blitzkrieg, hay giả thuyết săn bắn quá mức, thì lý giải những người đi săn cổ xưa đã tận diệt hầu hết các loài thú lớn và đẩy một số loài đến cửa tuyệt chủng.

"Tuy nhiên trái với giả thuyết này, dữ liệu của tôi cho thấy số lượng bò rừng bizon và nai sừng tấm đều gia tăng cả trước và trong khi con người đang bành trướng trái đất", Dale Guthrie, tác giả nghiên cứu từ Đại học Alaska cho biết.

Nghiên cứu phóng xạ carbon của ông đã chỉ ra rằng có sự chênh lệch 1000 năm giữa thời kỳ chết chóc của ngựa hoang và voi ma mút có lông - điều mà Guthrie cho là mâu thuẫn với các giả thuyết khác.

Thay vào đó, ông cho rằng biến đổi khí hậu đã làm thay đổi tính chất của các vùng lạnh khô. Những mùa hè ấm và ẩm ướt hơn đã làm thay đổi thảm thực vật thành những loại mà voi ma mút và ngựa hoang không thể xài nổi.

T. An

Theo Reuters, VnExpress
  • 646