Đẻ ít để giữ ngai vàng

  •  
  • 2.439

Nếu đối mặt với nguy cơ bị tiêu diệt bởi "thần dân", kiến chúa buộc phải hy sinh quyền lợi của đàn để duy trì vị trí của chúng. 

Nếu đàn có nhiều kiến chúa, kiến thợ sẽ tiêu diệt chúng cho tới khi chỉ còn một con chúa sống sót. Ảnh: flickr.com.


Những tổ kiến hoạt động giống như một cơ thể khổng lồ. Kiến chúa đẻ ra những con kiến thợ để chúng đáp ứng những nhu cầu của chúa và các thành viên khác trong tổ.

Livescience cho biết, thông thường một tổ kiến có nhiều hơn một kiến chúa. Đương nhiên hai hoặc ba kiến chúa sẽ sinh ra nhiều kiến thợ hơn so với một con. Do có “lực lượng lao động” đông đảo, khả năng tồn tại của cả đàn sẽ tăng lên. Nhưng các kiến chúa không thể chung sống mãi mãi, vì lũ kiến thợ sẽ không để như vậy. Vào một thời điểm nào đó kiến thợ sẽ xông vào các con chúa và tàn sát cho đến khi chỉ còn một con chúa. Trong nhiều trường hợp chẳng còn kiến chúa nào sống sót.

“Kiến thợ nhỏ hơn nhiều so với kiến chúa. Mỗi con kiến thợ cũng chỉ gây nên vết thương cực nhỏ khi chúng tấn công. Vì thế lũ kiến thợ phải cắn và tiêm axit vào cơ thể những con kiến chúa trong nhiều ngày mới có thể tiêu diệt chúng. Nhiều kiến chúa chết vì khát chứ không phải vì những vết thương. Trong phần lớn trường hợp, kiến thợ ngừng tấn công khi chỉ còn một con chúa sống sót, nhưng đôi khi chúng giết chết tất cả chúa”,
Luke Holman, một nhà khoa học của Đại học Copenhagen tại Đan Mạch, phát biểu với Livescience.

Theo Holman, nếu kiến thợ giết hết kiến chúa thì đó là một hành động tự sát nếu xét trên phương diện tiến hóa, bởi kiến thợ không có khả năng sinh sản. Chúng phụ thuộc vào kiến chúa trong việc duy trì nòi giống.

Nhưng Holman và các đồng nghiệp nhận thấy những con chúa tìm ra một cách rất khôn ngoan - dù hơi ích kỷ - để duy trì mạng sống và quyền lực: chúng đẻ ra ít kiến thợ hơn nếu trong tổ còn có những kiến chúa khác. Số lượng con mà kiến chúa sinh ra càng lớn thì chúng càng mất nhiều sức. Do đó, chiến thuật đẻ ít giúp con chúa có đủ sức để chống chọi với lũ kiến thợ. Đương nhiên, số lượng kiến thợ giảm thì tốc độ phát triển của tổ cũng chậm hơn.

Nhưng lũ kiến thợ cũng không hề ngu ngốc, bởi chúng có thể phát hiện những con chúa sinh ít con thông qua mùi. Trên thực tế kiến chúa luôn tiết ra những hóa chất để tạo nên mùi cơ thể. Kiến chúa có khả năng sinh sản càng cao thì mùi cơ thể chúng càng mạnh. Holman nhận thấy trong nhiều trường hợp kiến thợ xử tử kiến chúa sau khi phát hiện nó sinh ít con.

“Tiêu diệt những kiến chúa ích kỷ nhất là cách để kiến thợ buộc những con chúa còn lại phải sinh nhiều con hơn nhằm duy trì sự tồn tại của cả đàn. Có lẽ quy tắc hành xử sơ đẳng này đã giúp các loài kiến tạo nên những xã hội có trình độ hợp tác rất cao, giống hệt xã hội loài người”, Holman nhận xét.

Nghiên cứu của Holman được đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B mới đây.
Theo VnExpress
  • 2.439