Muỗi châu Á bành trướng khắp châu Âu

  •  
  • 1.159

Lần đầu đặt chân lên châu Âu năm 1979, giờ đây muỗi hổ châu Á đã tung hoành khắp 15 quốc gia của cựu lục địa do tác động của biến đổi khí hậu.

>>> Brazil: Muỗi biến đổi gene thích ứng dần với tự nhiên

Muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus) là loài muỗi có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở đông Nam Á. Chúng có thể truyền virus gây các bệnh như: sốt vàng da, viêm não Nhật Bản và nhiều bệnh khác.

Các nhà khoa học của Đại học Liverpool tại Anh cho biết, muỗi hổ châu Á bắt đầu xuất hiện tại Albania vào năm 1979. Nhưng giờ đây Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu thông báo muỗi hổ châu Á đã xuất hiện tại 15 nước - từ Tây Ban Nha, Hy Lạp tới Thổ Nhĩ Kỳ, AFP đưa tin.

Muỗi hổ châu Á đã xuất hiện khắp hành tinh.
Muỗi hổ châu Á đã xuất hiện khắp hành tinh.

“Trong hai thập kỷ qua, các điều kiện khí hậu ở phía tây bắc châu Âu - như phía tây nước Đức - và khu vực Balkans ngày càng trở nên phù hợp hơn với muỗi châu Á”, nhóm nghiên cứu của Đại học Liverpool tuyên bố.

Mô hình khí hậu của nhóm nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ ở vùng Balkans và phía tây bắc châu Âu đã tăng dần trong cả mùa hè lẫn mùa đông do tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế mùa hè ở các khu vực đó trở nên nóng hơn, còn mùa đông trở nên ấm hơn. Đây là một xu hướng thời tiết lý tưởng đối với muỗi hổ châu Á.

Vào những năm giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, muỗi hổ châu Á chỉ xuất hiện tại một số khu vực thuộc châu Á và vài đảo trong Thái Bình Dương. Từ đó tới nay chúng đã bành trướng sang Bắc Mỹ, Nam Mỹ, vùng Caribbe, châu Phi, Trung Đông theo chuyến xuất khẩu nguyên liệu xuyên đại dương.

Muỗi hổ châu Á gây nên đại dịch sốt chikungunya, một căn bệnh tấn công các khớp xương của người, trên đảo Reunion, Ấn Độ Dương trong hai năm 2005 và 2006. Đảo này là lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Một năm sau, chúng gây nên đại dịch chikungyuna tại tỉnh Ravenna của Italy. Trong năm 2010, nó gây nên dịch sốt dengue tại Pháp và Croatia.

Theo VNE
  • 1.159