Sự trỗi dậy của ong bắp cày

  •  
  • 3.301

Các chuyên gia đang tìm cách lý giải cho các cuộc tấn công hàng loạt của ong bắp cày khổng lồ tại Trung Quốc.

Ong tử thần đang hoành hành miền trung của Trung Quốc, bị cáo buộc đã giết chết ít nhất 41 người tại đây. Những cái chết đau đớn của các nạn nhân đã buộc giới hữu trách phải vào cuộc, nhanh chóng thiết lập các đơn vị y tế đặc biệt và cảnh báo người dân ở vùng nông thôn tránh xa các cánh rừng, theo Tân Hoa xã. Tuy nhiên, trên thực tế chuyện gì đang xảy ra ở những nơi đó? Phải chăng các đàn ong bị chọc giận bởi những người khai thác gỗ? Hay tình trạng thay đổi khí hậu khiến ong… hóa điên? Hay chúng trở nên nhạy cảm với hóa chất lan tràn trong không khí? Hoặc đơn giản chỉ là các nạn nhân đã tới số nên mới đi lạc vào lãnh địa của chúng?

Theo CNN, các nhà khoa học đang nghiên cứu côn trùng như Vespa mandarinia, còn gọi là ong bắp cày khổng lồ châu Á, nhận định rằng nhiều khả năng ong trở nên khó chịu bởi thời tiết ấm lên, cũng như bực bội trước sự quấy rầy của con người. James H. Carpenter của Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ tại New York đã thu thập những con ong này tại các khu rừng nhiệt đới của Việt Nam. “Bạn thấy chúng bay quanh mình và cứ nghĩ là chim ruồi chứ chẳng phải ong. Khi đốt người, chúng có thể gây chảy máu. Thật sự là những sinh vật đáng sợ”, ông cho biết. Với chiều dài đến 4,5cm và vòi độc 6mm, ong bắp cày châu Á là loài ong lớn nhất thế giới.

Sự trỗi dậy của ong bắp cày
Ong bắp cày châu Á khét tiếng hung hãn - (Ảnh: AFP)

Trong vài tuần qua, giới truyền thông Trung Quốc liên tục dẫn nguồn tin từ các giới chức địa phương cho hay, các cuộc tấn công của ong bắp cày đã làm hơn 1.640 người bị thương và 42 người thiệt mạng kể từ tháng 7 đến nay. Chính quyền sở tại cho rằng quy trình di trú của ong bắp cày bị rối loạn do thời tiết ấm bất thường. Thậm chí có tin tức cho thấy một số nạn nhân bị ong đốt hơn 200 phát/lần.

Một số tờ báo và hãng thông tấn Trung Quốc cố gắng nối kết những vụ ong tấn công người với tình trạng thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Carpenter, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về ong bắp cày, tỏ ra hoài nghi. Lý do đầu tiên, ong bắp cày không có thói quen di trú, cũng như tầm hoạt động của chúng không khuếch trương theo thời gian. Hiện chúng tồn tại ở cả vùng nhiệt đới lẫn khí hậu ôn hòa thuộc châu Á, trải dài từ Ấn Độ đến Hàn Quốc và Nhật Bản, phía nam của bán đảo Malaysia và phía bắc tỉnh Ussuriland của Nga. Chuyên gia Carpenter cũng lưu ý rằng những con ong bắp cày thường vét hết nọc độc trước khi chích được đến 200 phát. Và một số nạn nhân đã thiệt mạng vì suy thận. Một cách giải thích hợp lý hơn là cư dân vùng nông thôn ở tỉnh Sơn Tây, nơi các vụ tấn công diễn ra, đang di chuyển dần vào nơi cư trú của ong, vốn sống biệt lập và không bị quấy rầy qua nhiều thế hệ. “Tôi thấy những vụ tấn công đều xảy ra ở những cánh rừng”, theo James Whitfield, nhà côn trùng học của Đại học Illinois. “Con người bắt đầu đi vào những khu vực này và xuất hiện gần tổ ong hơn. Không phải ong trở nên trái tính trái nết so với trước đây, mà do số lần con người tương tác với chúng đang tăng nhanh”, chuyên gia Whitfield chỉ ra.

Liệu chúng có thể vượt đại dương mênh mông để “xâm lăng” những vùng đất mới, như Mỹ chẳng hạn? Chuyên gia Carpenter bác bỏ giả thuyết đó. Ong bắp cày khổng lồ thường tấn công và tiêu diệt bầy đàn của các loài côn trùng có tổ chức xã hội khác, như ong mật. Sau đó, chúng dùng các lứa ong này để làm thức ăn nuôi bầy ong non của mình. Hành vi trên khiến chúng khó mở rộng lãnh thổ sang một lục địa hoàn toàn mới. Trong khi đó, loài ong bắp cày châu Âu nhỏ và ít hung hãn hơn đã đến Mỹ vào thế kỷ 19, kể từ đó lan tràn khắp vùng nam và trung tây của nước này.

Theo Thanh Niên
  • 3.301