Lợn biết ở sạch

  •  
  • 1.390

Lợn cỏ có vòng cổ (Tayassu Tajacu) trông rất giống lợn nhà, nhưng đuôi cụt ngủn (dài từ 1,5 - 3cm), chân sau chỉ có ba móng. Lợn cỏ có vòng cổ thuộc họ Tayassuidae, có nguồn gốc xa xưa tại châu Mỹ. Trong khi lợn nhà lại thuộc họ Suiidae và có nguồn gốc xa xưa tại Châu Âu, châu Á, châu Phi.

Lợn cỏ T.tajacu trưởng thành có thân hình dài khoảng 1m, cân nặng khoảng 30kg, lông cứng thô, màu hoa râm, trước phần vai có một vòng lông cổ màu trắng. Lợn cỏ rất khỏe, lanh lẹ, chạy rất nhanh và bơi lội giỏi. Răng nanh dài từ 3-3,5cm; rất sắc bén. Thị giác kém, nhưng thính giác nhạy. Ở con lớn có một dải lông chạy từ đỉnh đầu xuống đến mông - dải lông này thường dựng lên mỗi khi nó bị kích thích.

Trên lưng chúng có một tuyến tiết ra mùi rất mạnh. Tuy đi đâu cũng bốc mùi như thế, nhưng loại lợn này sống rất sạch sẽ, không dơ bẩn như lợn nhà hay lợn rừng. Ở sa mạc, chúng biết dùng cát để làm sạch cơ thể. Còn khi ở gần nơi có nước, chúng thường xuyên tắm để hạ nhiệt và để đuổi côn trùng bám trên da.

Con đực và cái trưởng thành giống nhau cả về kích thước lẫn màu sắc, trong khi con non có bộ lông màu nâu pha chút vàng.

Cây thùa Agava

Lợn cỏ T.tajacu thường sống chung thành đàn từ 10-20 con, thỉnh thoảng có đàn lên đến 36 con. Khu vực kiếm ăn của mỗi đàn rộng từ 0,5-8km2, được đánh dấu phân chia với khu vực của những đàn lợn cỏ khác bằng một loại mùi đặc trưng.

Mỗi đàn như vậy gồm những thành viên thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, có cả con đực lẫn con cái. Chúng cùng nhau ăn, ngủ, đào bới, lục lọi. với đồng loại, chúng xử sự hết sức thân ái, không hề có chuyện tranh giành nhau, cắn xé nhau. Những con già cả và ốm yếu thường tìm đến nơi vắng vẻ để chết.

Về mùa hè, lợn cỏ chỉ kiếm ăn vào những lúc trời mát, lúc sáng sớm và chiều tối, những lúc oi bức chúng nằm nghỉ dưới bụi cây hay tảng đá; còn vào mùa đông thì chúng bận rộn kiếm ăn cả ngày.

Lợn cỏ chủ yếu ăn thực vật, chúng rất thích ăn cây thùa Agava và cây xương rồng Opuntia. Chúng cũng ăn cả ấu trùng, sâu và những động vật nhỏ. Lợn cỏ có thể ăn xương rồng nên người ta thích chúng có mặt trên những vùng đất trồng trọt có quá nhiều xương rồng. Sở dĩ lợn cỏ có thể ăn được thức ăn thô cứng như vậy là do hệ thống tiêu hóa của chúng rất độc đáo: Bao tử gồm 3 ngăn và vi khuẩn lại đóng vai trò chính trong quá trình tiêu hoía thức ăn.

Cây xương rồng Opuntia

Lợn nái bắt đầu sinh nở khi được 2 năm tuổi. Sau giai đoạn mang thai từ 142-149 ngày, lợn nái rời đàn để tìm chỗ sinh con, lợn mẹ rút khỏi đàn, tìm nơi an toàn để con non mới sinh không bị thú dữ ăn thịt. Mỗi lứa, lợn mẹ thường đẻ 2 lợn con. Con non mới đẻ nặng khoảng 0,45kg, có thể đứng lên chạy trong vài giờ sau đó. Chúng cùng với mẹ trở về đàn trong vòng một ngày và được lợn mẹ cho bú suốt khoảng 8 tuần. Những con lợn con lứa trước cũng biết giúp lợn mẹ chăm sóc "em mình".

Những gia đình lợn cỏ đang nuôi con non, nhiều lúc có thể tấn công con người. Nếu như một con trong đàn đang bị thương hay đang bị rượt đuổi thì toàn bộ đàn của nó có thể hợp lực lại để chống kẻ thù.

Khi gặp nguy, lợn cỏ bỏ chạy với tốc độ rất nhanh khoảng 40km/h, chúng có thể chạy thoát khỏi sự truy đuổi của nhiều loại thú dữ, nhưng chúng sẽ chiến đấu dữ dội nếu bị dồn vào góc. Khi bị kẻ thù mạnh hơn uy hiếp, từng thành viên sẽ tản ra, chạy trốn theo mọi hướng, con đầu đàn thường ở lại chiến đấu, hy sinh thân mình để dành thời gian cho con non và con cái kịp chạy thoát.

Có nhiều truyện kể đã khiến cho những tay thợ săn ít kinh nghiệm giết lầm lợn cỏ chỉ vì e sợ. Những câu truyện không thật này thường thổi phồng về tính hung tợn của lợn cỏ, khiến nhiều người nghĩ rằng chúng rất nguy hiểm với người và vật nuôi.

Trên thực tế, trong cuộc chiến giữa lợn cỏ và chó, lợn cỏ thường chiến thắng, chó thường bị giết chết hay bị thương nặng. Nhưng đó chỉ là trường hợp con chó tấn công trước và lợn cỏ phải tự vệ với tất cả khả năng của mình. Còn khi bình thường, lợn cỏ hoàn toàn vô hại với con người và vật nuôi. Chúng chủ yếu chỉ ăn cỏ và những động vật nhỏ. Giống như gấu và nhiều động vật khác, lợn cỏ sẽ thân thiện với người khi thường xuyên được con người cho ăn.

Kẻ thù trong tự nhiên của lợn cỏ T.tajacu là báo đốm Felis Concolor.

Lợn cỏ thường bị dân địa phương bắt, thuần dưỡng làm vật nuôi trong nhà. Chúng thường được người da đỏ Trung và Nam Mỹ vỗ béo để lấy thịt. Thịt chúng là loại thức ăn giàu protein, da chúng được dùng làm nhiều thứ đồ dùng, xương và răng làm nhiều dụng cụ hay để trang trí.

Lợn cỏ có vòng cổ phân bố từ nam Hoa Kỳ đến năm Bzail, trong tự nhiên, tuổi thọ của chúng khoảng 10 năm. Trong điều kiện con người nuôi dưỡng, chúng có thể sống đến 24 năm tuổi.

H.T (Thế giới sinh vật lạ)
  • 1.390