Khỉ đầu chó, <i>“gà trống nuôi con”</i>

  •  
  • 1.708

Khi ở bên cạnh đứa con, những con khỉ đầu chó bố luôn giúp con chúng trưởng thành về giới tính nhanh hơn. Đó là kết luận ngạc nhiên về mối quan hệ cha con của các động vật linh trưởng trong một nghiên cứu đưa ra bởi CNRS.

Nếu chỉ 10% những con đực của lớp động vật có vú chăm sóc con mình tận tình như một người cha thực thụ, thì khỉ đầu chó vàng ở Kenya là một loài trong số đó. Điều này đem đến cho con của chúng rất nhiều thuận lợi, nhất là đối với sự sinh sản. Đó là tất cả những gì bà Marie Charpentier - nhà khoa học thuộc trung tâm nghiên cứu chức năng và tiến hoá sinh thái học (CEFE) tại Montpellier - khẳng định trong bài báo mới đây của tờ Pnas vào tháng 2/2008: “Thực tế tuổi trưởng thành về giới tính của khỉ đầu chó con tới sớm hơn đi đôi với sự gia tăng thời gian khỉ đầu chó bố có mặt bên cạnh”.

Để đi đến kết luận trên, bà Marie Charpentier đã phân tích lượng dữ liệu thu thập trong hơn 30 năm của Dự án nghiên cứu về khỉ đầu chó Anboseli do hai nhà sinh thái học hàng đầu từ những năm 1970 Jeanne và Stuart Altmann khởi xướng. Nguồn gốc dự án trên: một nhóm nhà khoa học gồm 10 người đã theo dõi liên tục quần thể khỉ đầu chó ở công viên thiên nhiên Amboseli, từ đó họ tìm ra được các cơ sở dữ liệu về di truyền, sinh lý học và tập tính của loài khỉ đầu chó.

Trong quá trình thu thập các thông tin trên Marie Charpentier đã khám phá ra rằng những con khỉ đầu chó bố càng xuất hiện nhiều bên con của nó - các con khỉ đầu chó đực thường có xu hướng di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác - thì những con khỉ đầu chó con của chúng càng sớm hoàn thiện các chức năng sinh lí của mình. Cụ thể hơn, cơ quan sinh sản của khỉ đầu chó con nhanh chóng đạt đến kích thước trưởng thành của chúng. Tuy nhiên đến thời điểm này một chuỗi nguyên nhân dẫn đến kết quả trên cũng chỉ được quan sát trên thực tế bởi các nhà khoa học chứ chưa thể đưa ra được những lời giải thích chính xác.

Khỉ đầu chó. (Ảnh: www.pbase.com)


Marie Charpentier và nhóm nghiên cứu của bà đưa ra cùng một giả thuyết. Sự hiện diện của con đực tạo ra một môi trường an toàn cho phép những đứa con của chúng phát triển một cách tốt nhất. “Con đực có thể can thiệp đến những xung đột xã hội có khả năng ảnh hưởng đến con của chúng”. Tiếp đó, theo nghiên cứu về dinh dưỡng, những con khỉ đầu chó bố có thể giúp con mình khi chúng gặp vấn đề về thức ăn. Tuy nhiên, điều đó chỉ là cảm nhận. Nếu bất kì một con khỉ đầu chó bố nào cũng có thể bảo vệ “con gái” của mình trước những con khỉ cái khác, thì ngược lại, nếu “con trai” của nó có những xung đột với những con đực mạnh khoẻ khác trong bầy thì khỉ đầu chó cha cần phải thực sự mạnh mẽ mới có thể đánh bại kẻ thù để bảo vệ con mình.

Một giả thuyết khác để giải thích cho sự phát triển sớm của khỉ đầu chó con: nếu đàn con của con đực dậy thì sớm, nó sẽ sinh sản nhanh hơn và có thể sinh ra những thế hệ sau sớm hơn từ đó di truyền sớm hơn gien của loài khỉ đầu chó. Và đó cũng là một khía cạnh của quá trình đấu tranh cần thiết chống lại sự đào thải tự nhiên mà các nhà khoa học đang tìm hiểu.

Vẫn còn một câu hỏi để ngỏ: làm thế nào con đực nhận biết được con của chúng? “Chúng tôi đưa ra hai giả thuyết nhưng đến nay không có giả thuyết nào được chứng minh cụ thể”, bà Charpentier giải thích. “Đầu tiên, con khỉ đầu chó bố có thể nhận biết con mình ngay khi nó được sinh ra dựa vào hình thể, mùi hay tiếng kêu. Giả thuyết thứ hai: lúc giao phối với con cái, con đực có thể nhận thấy qua thân nhiệt của chúng để có thể biết rằng mình có cơ hội làm cha hay không”.

Đức Thoại (Theo CNRS)
  • 1.708