Đuổi cá sấu bằng nam châm

  •  
  • 1.600

Cơ quan bảo tồn thiên nhiên của bang Florida (Mỹ) vừa thực hiện chương trình gắn nam châm vào đầu cá sấu, để ngăn chúng không thể quay lại các khu vực dân cư. 

Cá sấu không thể tìm đường trở về nơi ở cũ sau khi bị gắn nam chân vào đầu. Ảnh: Daily Mail.


Nhiều nhà khoa học cho rằng cá sấu có khả năng định hướng nhờ từ trường trái đất. Vì vậy, nếu chúng ta gắn nam châm lên đầu cá sấu, khả năng cảm nhận từ trường của chúng sẽ bị rối loạn.

Cá sấu sinh sống gần nhiều khu vực đô thị ở bang Florida và các quan chức bảo tồn thiên nhiên đã chuyển chúng tới các đầm lầy ở nông thôn để không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây tình trạng cá sấu lang thang trong các thành phố có xu hướng tăng lên. Nhiều con đã mất mạng vì bị xe hơi đâm trên đường phố.

Theo các chuyên gia về động vật bò sát, cá sấu thích sống trong một khu vực từ lúc sinh ra cho tới khi chết. Chúng có khả năng nhớ đường rất tốt và có thể quay về nơi ở cũ với tốc độ trung bình 16 km mỗi tuần.

Giới chức bang Florida nảy ra ý định gắn nam châm vào đầu cá sấu trước khi thả chúng vào các đầm lầy cách xa khu vực dân cư. "Chúng tôi gắn nam châm ngay sau khi bắt được cá sấu. Kết quả theo dõi cho thấy chúng không thể quay trở lại nơi chúng bị bắt", Lindsay Hord, một quan chức của Cơ quan bảo tồn động vật bang Florida, nói.

Thử nghiệm về việc dùng nam châm để ngăn cản cá sấu quay về "nhà" được thực hiện lần đầu tiên tại bảo tàng cá sấu tại Chiapas, Mexico. Các nhà khoa học Mexico cho biết họ đã dùng kỹ thuật này để chuyển nơi sinh sống của 20 con cá sấu trong vài năm qua.

Cá sấu từng được đưa vào danh sách những động vật có nguy cơ tuyệt chủng tại Mỹ. Nhưng các nỗ lực bảo tồn tại bang Florida khiến số lượng của chúng tăng dần theo thời gian.

Theo VnExpress (BBC)
  • 1.600