Nhân bản vô tính để có thêm "cụ Rùa"?

  •  
  • 1.891

Khi chưa tìm được cá thể rùa nào làm phối ngẫu để bảo tồn giống Rùa hồ Gươm, thì nhân bản vô tính có thể là một lựa chọn, các nhà khoa học gợi ý.

>>> Khó tìm hậu duệ cho Rùa hồ Gươm

Tiến sĩ Lê Đình Lương, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Việt Nam, cho rằng nhân bản là phương án tối ưu hiện nay.

"Trong trường hợp Rùa hồ Gươm chưa tìm thấy cá thể nào cùng giống loài, về lý thuyết phương pháp nhân bản vô tính là hoàn hảo".

Nhân bản vô tính là phương pháp sinh sản đơn không thông qua thụ tinh. Phương pháp này lần đầu được công bố trên thế giới với sự ra đời của chú cừu Dolly năm 1997. Bằng phương pháp này, các cá thể có thể được tạo ra từ một tế bào lấy từ nguyên bản. Nếu nhân bản vô tính con cái thì thế hệ sau sẽ cho con cái, và ngược lại.

Nhân bản vô tính đòi hỏi chi phí lớn và phải được thực hiện trong môi trường đảm bảo, ông Lương nhấn mạnh. Vì thế phương án này nếu thực hiện, "cần có sự hợp tác quốc tế mới có cơ may thành công", ông nói.

Rùa hồ Gươm nổi ngày 11/12.
Rùa hồ Gươm nổi ngày 11/12. (Ảnh: Vũ Long)

Việc lưu giữ gene của Rùa hồ Gươm là điều rất cần thiết bởi sau này có thể sử dụng các gene có tính trội tốt như gene tạo tuổi thọ cao. Ông Lương cho rằng dù nhân bản Rùa hay không, các gene tốt cũng sẽ có thể được sử dụng cho các mục đích nuôi cấy sau này.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, nói: "Nên lưu giữ gene của cụ Rùa, khi có điều kiện thì nhân bản vô tính".

Theo đánh giá của ông Cảnh, Rùa hồ Gươm đã "hơn trăm tuổi", nên khó có thể thực hiện biện pháp sinh sản hữu tính thông thường ở động vật.

Tuy nhiên, ý kiến về nhân bản vô tính vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học khác. Giáo sư Hà Đình Đức, người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu Rùa hồ Gươm, cho rằng không nên nhân bản bởi việc đó kéo theo những hệ quả xấu về sau.

"Nhân bản vô tính là điều không nên làm, và làm cũng vô ích", ông Đức tuyên bố.

"Để nhân bản, phải chọc vào nhân tế bào. Nhân tế bào là thành lũy di truyền, chọc vào đó khiến con vật sinh ra mất khả năng miễn dịch, rất dễ nhiễm những bệnh khó lường".

Ông Đức thêm rằng trên thế giới chưa từng có nghiên cứu nào về nhân bản rùa, vì thế "không nên mang cụ Rùa ra làm thí nghiệm". "Con cừu Dolly đã chết. Chúng ta nhân bản cụ Rùa Hồ Gươm có thể sẽ tạo ra cá thế giống y như cụ thật, nhưng nó sẽ khó có tuổi thọ cao".

Một số nhà khoa học khác cho rằng, nhân bản vô tính tạo ra bản khác với cụ Rùa, sẽ ảnh hưởng tới tâm linh của người Việt. Bên cạnh đó, nhân bản vô tính có thể bị sai lệch, gây ra đột biến, khả năng sinh trưởng sẽ rất chậm.

Tiến sĩ Lê Đình Lương, dù đánh giá rằng nhân bản cũng là một lựa chọn, cảnh báo rằng với một nguyên bản già hơn 100 tuổi như Rùa, thì thế hệ F1 được tạo ra có thể vô sinh.

Vấn đề bảo tồn nòi giống Rùa hồ Gươm lại được đặt ra mới đây, sau khi Rùa nổi lên liên tiếp với tần suất trung bình ba ngày một lần. Loài rùa này được cho là hiếm, chỉ còn một hoặc một vài cá thể và cần được bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng. Rùa cũng là một trong các biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

Theo Vnexpress
  • 1.891