Thiết kế mới hâm nóng cuộc đua tàu du lịch vũ trụ

  •  
  • 368

Hôm nay, tại Los Angeles, một công ty tư nhân đã giới thiệu chiếc tên lửa Lynx 2 chỗ ngồi, dành cho khách có trả tiền lên thăm quỹ đạo trái đất. Đây là thiết kế mới nhất trong cuộc đua chế tạo tàu du lịch vũ trụ.

Chiếc Lynx, được công ty XCOR Aerospace phát triển, sẽ cho phép 1 hành khách ngồi cùng với phi công trải qua tình trạng không trọng lượng và quan sát trái đất từ vũ trụ.

"Từ lúc bắt đầu, chúng tôi đã nhắm tới một loại phương tiện có thể tái sử dụng hoàn toàn, có thể bay được thường xuyên, kinh tế và an toàn đủ để thành công, trong thị trường mà chúng tôi hy vọng là sẽ lành mạnh, cạnh canh", giám đốc công ty Jeff Greason cho biết.

XCOR đã âm thầm làm việc với các động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng trên tất cả các kích cỡ và kiểu dáng ở Mojave, California từ năm 1999.

Ranh giới giữa trái đất và vũ trụ được xác định ở độ cao gần 100 km, và các con tàu vũ trụ do các công ty tư nhân chế tạo nhằm mục đích vượt qua ranh giới này trong 4-5 phút trong tình trạng không trọng lượng, trước khi rơi trở về trái đất. Khoảng cách này là quá ngắn cho các tàu con thoi với tốc độ gấp 25 lần vận tốc âm thanh.

Thiết kế của chiếc Lynx. (Ảnh: Popsci)

Tuy nhiên, các chuyến bay ngắn nói trên cũng vẫn là thách thức lớn đối với bất kỳ công ty tư nhân nào, và đến nay, mới chỉ có duy nhất công ty Scaled Composites (California) là thực sự vượt qua được, với sản phẩm là tàu SpaceShipOne. Để đạt mục tiêu này, con tàu phải vượt qua 3 lần tốc độ âm thanh bằng nhiên liệu tên lửa, giữ cho khách du lịch còn sống với hệ thống hỗ trợ trên tàu, có thể tự chỉnh hướng trong vũ trụ và sống sót được khi quay trở về trái đất.

Chiếc SpaceShipOne đã làm được tất cả điều đó vào năm 2004 để giành giải thưởng Ansari X trị giá 10 triệu đôla. Phần thưởng này đã kích thích ông trùm hàng không người Anh Richard Branson đầu tư vào chiếc SpaceShipTwo cho hãng Virgin Galactic mới thành lập của ông.

XCOR dự định sẽ phóng chiếc Lynx vào năm 2010, cùng năm hãng Virgin dự định sẽ phóng chiếc SpaceShipTwo.

T. An (Theo Popsci, Vnexpress)
  • 368