Hành tinh cũng 'phát phì'

  •   53
  • 956

Loài người không hề đơn độc trong cuộc chiến chống béo phì, bởi kích thước của các hành tinh khí cũng tăng lên tạm thời trong một giai đoạn.

“Giới thiên văn mới phát hiện ra rằng kích thước của nhiều hành tinh khí thay đổi theo từng giai đoạn và họ không thể áp dụng lý thuyết tiêu chuẩn để giải thích hiện tượng đó. Chẳng hạn, bề rộng thực tế của sao Mộc có thể lớn hơn tới 30% so với bề rộng ước tính”, Laurent Ibgui, một nhà thiên văn của Đại học Princeton (Mỹ), cho biết. 

Chất khí chiếm phần lớn thể tích sao Mộc. Vì thế mà nó được xếp vào nhóm những hành tinh khí khổng lồ. Ảnh: kidscosmos.org.

Trước đây các nhà khoa học giả định rằng, do khí lạnh có thể tích nhỏ hơn khí nóng nên sao Mộc (một hành tinh khí) co lại khi nó mất lượng nhiệt ban đầu. Nhưng Ibgui cho rằng câu chuyện không đơn giản như thế.

Sao Mộc, giống như nhiều hành tinh khí khổng lồ, được cấu tạo bởi các chất khí ở thể lỏng vì nhiệt độ thấp. Vì thế loại thiên thể này thường lớn hơn loại hành tinh có đất và đá (như trái đất). Kích thước của hành tinh khí khổng lồ thường xuyên thay đổi theo chu kỳ. Ibgui và cộng sự lập ra một mô hình giả lập trên máy tính để giải thích hiện tượng ấy. Mô hình cho thấy các hành tinh khí thường có quỹ đạo hình elip. Do đó khoảng cách giữa chúng với ngôi sao riêng (trong trường hợp của sao Mộc là mặt trời) không cố định.

Khi hành tinh khí tiến tới gần ngôi sao, lực hút của ngôi sao khiến tầng khí ngoài cùng của chúng phồng lên. Tầng khí ngoài cùng co lại khi nó tiến ra xa ngôi sao. Sự con giãn liên tục của khí tạo ra nhiệt khiến các lớp khí bên trong hành tinh nóng lên. Quá trình này làm cho hiệu ứng nguội dần (diễn ra trong hàng tỷ năm và khiến hành tinh khí co lại) trở nên mất tác dụng. Sau đó, quỹ đạo của hành tinh biến thành dạng hình tròn theo thời gian. Khi quỹ đạo trở thành hình tròn, hiệu ứng nguội dần xuất hiện trở lại và kích thước hành tinh sẽ giảm.

Theo VnExpress (Newscientist)
  • 53
  • 956