Phát hiện 5 hành tinh nóng như núi lửa

  •  
  • 1.616

Kính thiên văn không gian Kepler của Mỹ vừa tìm thấy 5 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời có nhiệt độ bề mặt lớn hơn dung nham đang sôi.

Đây là những hành tinh đầu tiên mà kính Kepler phát hiện kể từ khi nó được phóng lên vũ trụ vào ngày 6/3/2009 để tìm kiếm các hành tinh lạ. BBC cho hay cả 5 hành tinh mới có kích thước lớn hơn sao Hải Vương và xoay quanh các ngôi sao. Chúng được đặt tên là Kepler 4b, 5b, 6b, 7b và 8b. Hành tinh nhỏ nhất có bán kính gấp 4 lần trái đất, còn hành tinh lớn nhất to hơn cả sao Mộc.

Theo National Geographic, 5 hành tinh đều có khối lượng tương đương sao Mộc và di chuyển rất gần ngôi sao riêng của chúng. Nhờ đó mà kính Kepler phát hiện chúng tương đối dễ dàng.

Trong cuộc họp báo hôm 4/1, William Borucki, trưởng nhóm chuyên gia phụ trách kính viễn vọng Kepler, cho biết, các hành tinh có nhiệt độ bề mặt từ 1.090 tới 1.650 độ C - đủ nóng để làm tan chảy vàng.


Hình minh họa kính thiên văn không gian Kepler. Ảnh: USA Today.

"Những hành tinh mà chúng tôi mới tìm thấy có nhiệt độ bề mặt lớn hơn cả dung nham nóng chảy. Do bề mặt nóng như thế nên chúng luôn phát sáng", Borucki nói với BBC.

Với tỷ trọng tương đương xốp cách nhiệt (khoảng 0,17 g mỗi cm khối), Kepler 7b là một trong những hành tinh có mật độ vật chất thấp nhất trong số những hành tinh mà con người tìm thấy. Borucki cho rằng nó sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học.

"Sự sống không thể tồn tại trên những hành tinh đó. Có lẽ kính Kepler sẽ tìm thấy những hành tinh có sự sống trong thời gian tới", National Geographic dẫn lời ông Borucki.

Mục tiêu chính của kính Kepler là tìm kiếm những hành tinh có khả năng tạo nên hoạt động sống. Chúng phải có đá và xoay quanh các ngôi sao giống như trái đất, đồng thời không nằm quá gần hoặc quá xa ngôi sao riêng để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng.

"5 hành tinh mới không thỏa mãn những tiêu chí đó, song chúng chứng tỏ rằng kính Kepler hoạt động tốt như mong đợi của giới khoa học. Nó có thể mang đến điều bất ngờ trong vài năm tới", Greg Laughlin, nhà thiên văn của Đại học California, Mỹ, bình luận.

Kính thiên văn Kepler được trang bị camera lớn nhất mà con người từng đưa lên vũ trụ. Nhờ camera này mà kính có thể quan sát đồng thời hơn 100.000 ngôi sao. Khi một hành tinh lướt qua phía trước ngôi sao riêng, nó sẽ tạo ra một khoảng tối trên bề mặt ngôi sao. Kepler chỉ cần tìm kiếm những khoảng tối trên bề mặt sao để phát hiện sự tồn tại của hành tinh.

Theo VnExpress
  • 1.616