Việt Nam có thể hứng mảnh vỡ vệ tinh

  •  
  • 1.723

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo một vệ tinh nặng gần 6 tấn có kích thước tương đương chiếc xe buýt sẽ rơi xuống trái đất tối nay và nhiều nơi có thể hứng các mảnh vỡ của nó, bao gồm Việt Nam.

>>> Vệ tinh UARS sẽ rơi sớm hơn dự kiến
>>> Vệ tinh nhân tạo Mỹ rơi vào cuối tuần sau

Trước đó NASA cho rằng Vệ tinh Nghiên cứu Tầng thượng quyển (UARS) rơi xuống trái đất từ hôm qua, nhưng họ mới điều chỉnh lại dự đoán sự kiện này sẽ xảy ra vào tối nay theo giờ GMT, khoảng rạng sáng mai giờ Hà Nội. Đây là một vệ tinh của NASA.

BBC dẫn lời các nhà khoa học NASA nhận định UARS sẽ vỡ thành hơn 100 mảnh trong quá trình rơi. Phần lớn mảnh vỡ sẽ cháy hết bởi lực ma sát của không khí, song một vài mảnh lớn sẽ không cháy hết. Những mảnh vỡ còn lại sẽ rơi xuống một khu vực có chiều dài từ 1.000 tới 2.000km và chiều rộng từ 400 tới 500km.

Việt Nam có thể hứng mảnh vỡ vệ tinh

Do nước bao phủ khoảng 70% bề mặt địa cầu, khả năng các mảnh vỡ không cháy hết của UARS rơi xuống đại dương là khá lớn. Nhưng chúng cũng có thể rơi xuống lục địa hoặc đảo. Mọi lục địa, trừ Nam Cực, đều có thể trở thành nơi các mảnh vỡ đáp xuống. Các nhà khoa học của NASA chỉ có thể dự báo chính xác vị trí rơi của vệ tinh khoảng hai giờ trước khi nó tiến vào bầu khí quyển.

Trong thông báo mới nhất, NASA tính toán các mảnh vỡ của vệ tinh UARS có thể rơi xuống bất cứ đâu trong khu vực trải dài từ 57 độ vĩ Bắc và 57 độ vĩ Nam của đường xích đạo. Lãnh thổ và vùng biển Việt Nam trải dài từ 8°27′ đến 23°23′ độ vĩ Bắc theo hướng bắc-nam nên cũng nằm trong khu vực mà các mảnh vỡ có thể rơi xuống.

NASA khẳng định tỷ lệ nguy cơ gây thương vong cho người và thiệt hại về tài sản của mảnh vỡ vệ tinh UARS là 1/3.200, lớn hơn mức giới hạn an toàn 1/10.000 do NASA quy định.

Phi thuyền con thoi Discovery đưa vệ tinh UARS lên quỹ đạo vào năm 1991. Nó ngừng hoạt động vào năm 2005 do hết nhiên liệu và trở thành một trong những rác vũ trụ lớn nhất gần trái đất. NASA khuyến cáo người dân không được phép giữ hay bán những mảnh vỡ của UARS, bởi chúng vẫn là tài sản của chính phủ Mỹ.

Vụ rơi vệ tinh nhân tạo gần đây nhất xảy ra vào năm 1979. Khi đó Skylab, một vệ tinh có khối lượng gấp 15 lần UARS, lao xuống miền tây của Australia. Chính phủ Australia đã yêu cầu chính phủ Mỹ bồi thường vỏn vẹn 400 USD để thu dọn những mảnh vỡ của vệ tinh này.

Theo Vnexpress
  • 1.723