Khi động vật là... chiến binh

  •  
  • 452

Ong có biệt tài đánh hơi, khi được huấn luyện, chúng dễ dàng phát hiện chất nổ cách xa hàng km. Nhưng khổ nỗi, ong khá ham chơi, trên đường "thi hành công vụ" cứ thấy hoa là sà xuống, khiến chip báo hiệu cứ loạn xạ cả lên.

Qua khe cửa hẹp, một chú gián được thả vào một căn phòng nơi đang diễn ra cuộc họp kín. Chú gián mang trên mình thiết bị ghi âm, ghi hình và truyền tức khắc những âm thanh, hình ảnh đó về trung tâm điều khiển. Có thể đó là nội dung một cảnh phim viễn tưởng, nhưng hiện giới khoa học quân sự đang tìm cách biến những ý tưởng tương tự thành hiện thực. Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) đã quyết định thực hiện một kế hoạch khá táo bạo: tổ chức lực lượng đặc nhiệm côn trùng, với những chức năng như do thám, đánh cắp thông tin, tấn công đối phương bằng vũ khí tí hon.

Lầu Năm Góc hoàn toàn nghiêm túc khi nói đến kế hoạch xây dựng lực lượng đặc nhiệm côn trùng này. Giữa tháng 3/2006, Cơ quan quản lý các dự án khoa học kỹ thuật phục vụ quốc phòng Mỹ (gọi tắt là DARPA) có trụ sở tại Arlington, bang Virginia, đã ra thông báo về một cuộc thi với yêu cầu: Làm sao để một con côn trùng đến được một điểm cần thiết nào đó cách nơi nó được thả ra 300 mét; khi đến nơi, nó phải đứng (hoặc đậu, nằm...) yên một chỗ trong một khoảng thời gian không xác định, cho đến khi nhận được lệnh mới.

Dùng sinh vật để dò mìn. (Ảnh: BBC, VNE)
Đề bài không nói cụ thể loài côn trùng nào, nhưng người tham gia hiểu rằng tốt nhất là sử dụng gián, vì chúng rất dễ tính. Các loài côn trùng có cánh khác cũng là những ứng viên nặng ký, vì chúng rất nhanh nhẹn.

Điều khiển côn trùng không dễ chút nào. Các loài động vật bậc cao như chó, cá heo... có thể nhận biết và hiểu một số tín hiệu của con người, còn côn trùng thì chắc chắn là bó tay! Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", các nhà khoa học đã chế tạo được loại chip sinh học vô cùng nhỏ, có thể cấy vào hệ thần kinh của côn trùng để điều khiển chúng. Việc cấy chip phải được tiến hành ở giai đoạn ấu trùng, chứ để lúc chúng trưởng thành rồi thì chip sinh học không phát huy được tác dụng. Con người có thể điều khiển những cá thể côn trùng mang chip sinh học trong mình, nhưng việc điều khiển không phải dễ dàng như các chú nhóc bấm nút trên bộ điều khiển cầm tay cho chiếc xe đồ chơi chạy tới chạy lui trên sàn nhà.

Hiện các nhà khoa học quân sự đang đau đầu tìm cách hoàn thiện quy trình điều khiển các chiến binh côn trùng. Họ cho biết việc cấy chip sinh học tiến bộ hơn nhiều so với các giải pháp trước đây là đeo hay gắn thiết bị điều khiển lên lưng, ngực hay bụng côn trùng. Khi côn trùng đã được cấy chip, phần ngoài của chúng vẫn được sử dụng, chẳng hạn để "mang vác" thiết bị do thám hay chất nổ, chất độc...

Chuột cũng từng được sử dụng vào nhiệm vụ dò tìm chất nổ, với chip điện tử có chức năng đo nhịp tim và xác định toạ độ. Tuy nhiên, những con chuột đã được huấn luyện vẫn không phân biệt được đâu là thức ăn, đâu là chất nổ. Khi chúng tìm được một trong hai thứ trên, nhịp tim của chúng đều thay đổi như nhau. Và đây là một thách thức với các nhà khoa học khi muốn áp dụng phương pháp này.

Gián, ong, chuột, chuồn chuồn... đã được thử nghiệm cho các nhiệm vụ trên không và trên bộ, tuy vậy giới khoa học Mỹ không quên những nhiệm vụ tương tự nhưng ở dưới nước. Cá heo đã được nói nhiều đến, bây giờ là cá mập, lợi dụng khả năng đánh hơi mùi máu của chúng. Dĩ nhiên không phải các nhà khoa học muốn dùng cá mập để tìm kiếm, cứu hộ người bị nạn, bị thương trên biển, vì nếu tìm thấy chúng cũng chẳng tha mạng cho nạn nhân. Cá mập cực kỳ tinh nhạy trong việc phát hiện mùi máu hoà tan trong nước biển, xác định được ngay nguồn máu phát ra từ đâu và lập tức lao về hướng đó. Lúc đó, trong não cá mập xuất hiện những biến đổi sinh học mà theo các nhà khoa học thì con người có thể sử dụng các tác động nhân tạo để tạo nên những biến đổi tương tự trong não chúng.

Thử hình dung, một thiết bị được gắn lên đầu cá mập. Được điều khiển từ xa, thiết bị này có khả năng phát ra những luồng sóng tác động lên não cá mập gây nên những biến đổi sinh học giống như khi chúng phát hiện mùi máu trong nước. Ngoài ra, thiết bị này có thể "đánh lừa" được cá mập khiến chúng tưởng rằng đang có máu tươi đằng trước, đằng sau, trái hay phải, và lao thục mạng về hướng đó. Một quân nhân với bộ điều khiển đứng trên bờ nhấn nút ở chế độ thích hợp để điều khiển chú cá mập đeo hàng chục kg thuốc nổ cực mạnh lao vào chiếc tàu đối phương ở cách đó vài km.

Nhưng đó chưa phải là chuyện hôm nay, vì hiện tại, người ta mới chỉ lừa được cá mập là có máu trong nước, chứ chưa lừa được nguồn máu xuất phát từ phía nào, thế nên con cá cứ bơi lung tung vô định.

Theo Thế Giới Mới, Membrana, Vnexpress
  • 452