Khi nào nên vứt thức ăn trong tủ lạnh

  •  
  • 2.085

Nên vứt chiếc bánh mì bị mốc vào sọt rác, hay chỉ cần cắt bỏ phần mốc màu xanh? Miếng thịt bò để trong tủ lạnh ba ngày liệu có an toàn? Những câu hỏi như vậy có thể trở thành đề tài gây tranh cãi giữa các cặp vợ chồng kể từ ngày tủ lạnh ra đời.

Giới khoa học đang nghiên cứu các biện pháp phát hiện sự ôi thiu của thực phẩm – chẳng hạn như những cảm biến tự ngắt khi sữa thay đổi mùi vị hoặc một loại polymer có khả năng phát hiện sự phát triển của vi khuẩn trong thịt. Nhưng trong lúc chờ đợi những thiết bị đó được đưa ra thị trường, các chuyên gia về an toàn thực phẩm có thể cho chúng ta một vài lời khuyên.

Một miếng bơ bị mốc. Ảnh: ABC News.


“Thực phẩm có mùi khó chịu không đồng nghĩa với việc nó sẽ làm cho bạn mắc bệnh”, Michael Doyle, giám đốc Trung tâm an toàn thực phẩm thuộc Đại học Georgia (bang Georgia, Mỹ), khẳng định.

Michael cho biết, trong thực phẩm có vi khuẩn gây ôi thiu lẫn mầm bệnh, và giữa chúng có sự khác biệt.

Vi khuẩn gây ôi thiu tạo nên những sợi mảnh trên thịt, rau và bánh mì. Nhưng thường thì chúng sẽ vượt trội các vi khuẩn gây hại về số lượng và bảo vệ thực phẩm.

Những mầm bệnh trong thực phẩm không có mùi vị, màu sắc và không thể nhìn thấy. “Ngay cả khi dùng kính hiển vi, bạn cũng không thể nhìn thấy chúng”, Michael nói.

Catherine Donnelly, giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Vermont (bang Vermont, Mỹ), cho rằng để bảo đảm an toàn, bạn phải để thực phẩm trong môi trường thỏa mãn “nguyên tắc số 4”: không quá bốn ngày, ở nhiệt độ 4 độ C

“Khoảng 25% tủ lạnh ở nước Mỹ hoạt động ở nhiệt độ có thể khiến thực phẩm trở nên không an toàn. Chúng ta sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm và phần lớn không biết rằng nhiệt độ nào là hợp lý”, Catherine nói.

Nhiệt độ có thể làm chậm lại hoặc chặn đứng sự phát triển của vi khuẩn. Ở 4 độ C, bạn có thể để thịt gà và thịt bò trong ba ngày và bốn ngày cho một số loại thực phẩm khác.

Để thức ăn trong môi trường có nhiệt độ hơn 4 độ C có thể tạo nên sự khác biệt giữa bệnh tật và an toàn.

“Trong môi trường nhiệt độ cao, một lượng vi khuẩn gây bệnh nhỏ cũng có thể tạo nên hậu quả khủng khiếp. Do đó, bạn không nên ném thực phẩm vào xe hơi rồi lái lòng vòng vài giờ trước khi về nhà. Vi khuẩn phát triển cùng với sự trôi đi của thời gian và sự tăng lên của nhiệt độ. Nếu bạn đem thức ăn thừa từ nhà hàng về nhà, bạn phải đưa chúng vào tủ lạnh trong vòng hai giờ sau đó”,
Catherine nói.

Trong vấn đề an toàn thực phẩm, theo dõi nhiệt kế trong tủ lạnh và đếm ngày tỏ ra hiệu quả hơn việc tìm kiếm mùi ôi thiu hay sự hiện diện của nấm mốc trên thực phẩm. Nhưng những dấu hiệu đáng sợ vẫn có ích trong trường hợp bạn không có nhiệt kế hoặc không nhớ chính xác ngày mua.

M. A. Cousin, chuyên gia về nấm và vi trùng học tại Đại học Purdue, khẳng định phần lớn loại mốc xuất hiện trên bánh mì và trái cây không có hại.

“Nhưng nếu ai đó bị dị ứng với nấm mốc thì chúng có thể gây nên những phản ứng khó chịu khi bạn hít phải chúng. Ngược lại, bạn chỉ cần cắt bỏ phần có nấm mốc và giữ lại thực phẩm. Chúng ta phải hiểu rằng quan niệm của mọi người về quá trình ôi thiu là khác nhau vì thính giác, vị giác và thị giác của chúng ta không giống nhau. Điều đó giải thích tại sao khi hai người đứng trước một cục bơ bị mốc thì một số người sẽ ăn, trong khi người kia vứt đi”, M. A. Cousin phát biểu.

Theo Việt Linh - VnExpress (ABC News)
  • 2.085