“Khoa học chân chính: tình yêu và sự đam mê nghiên cứu”

  •  
  • 665

"Nếu các bạn trẻ thật sự yêu khoa học, đam mê nghiên cứu thì hãy dấn thân đến cùng” - nhà bác học người Mỹ James Cronin (giải thưởng Nobel năm 1980 về vật lý) đã nói như vậy với sinh viên Hà Nội tại buổi thuyết trình của ông chiều qua (4-8).

Nhà bác học người Mỹ James Cronin tại buổi nói chuyện với sinh viên Hà Nội
Nhà bác học người Mỹ James Cronin tại buổi nói chuyện với sinh viên Hà Nội (Ảnh: Việt dũng)
Khoảng 200 sinh viên đã có mặt tại buổi thuyết trình của ông James Cronin - một con số không nhiều nhưng tất cả những ai có mặt đều có chung sự đam mê khoa học.

Ông James thừa nhận chủ đề thuyết trình “Vật chất và phản vật chất trong vũ trụ” không gần với sinh viên VN, nhưng điều ông không ngờ được là ngoài việc đem đến những kiến thức cơ bản về một lĩnh vực khoa học, ông đã khơi gợi được tình yêu khoa học tiềm ẩn trong những con người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết. James nói: “Vũ trụ còn rất nhiều điều bí ẩn. Đây là thời điểm thích hợp để các bạn trẻ đi tìm câu trả lời”.

Trở lại với thời trai trẻ của mình, ông James cho biết ông cũng đã từng đi tìm câu trả lời về những điều mà ông chưa biết. Năm 1964, khi mới 33 tuổi, James cùng đồng nghiệp là Van Logsdon Fitch phát hiện sự bất đối xứng CP trong vật lý hạt cơ bản, chứng minh được rằng trong vũ trụ không chỉ tồn tại vật chất mà còn có cả những đối tượng là phản vật chất.

16 năm sau, phát hiện của James và Fitch được trao giải thưởng Nobel. “Khi thực hiện các thí nghiệm, ông có nghĩ rằng sau này ông được giải thưởng Nobel?” - một câu hỏi của sinh viên trong phần giao lưu.

Ông James trả lời không đơn thuần để giải đáp thắc mắc: “Trong nghiên cứu khoa học nhiều khi không biết trước được điều gì. Lúc tôi làm thí nghiệm tôi nghĩ rằng kết quả sẽ là con số 0 hoàn hảo. Vì thế, điều quan trọng là bạn phải luôn tìm hiểu những vấn đề trong tự nhiên và bạn sẽ có được những kết quả quan trọng. Có những nghiên cứu tưởng như chỉ ở trong một lĩnh vực rất hẹp nhưng kết quả của nó lại liên quan đến những vấn đề rất lớn".

Ông nói tiếp: "Người ta trao giải Nobel cho một người không phải vì người đó thông minh mà là tầm quan trọng của công trình của họ. Vì thế, mặc dù tôi và Fitch phát hiện sự bất đối xứng CP trong vật lý hạt cơ bản năm 1964 nhưng mãi đến năm 1980, khi người ta nhận ra ảnh hưởng của nó tới vũ trụ thì chúng tôi mới được trao giải”. Ông không quên cảnh báo: “Nếu bạn làm khoa học để tìm kiếm giải thưởng thì chắc chắn bạn sẽ gặp phải những bi kịch. Khoa học chân chính là tìm thấy tình yêu và sự đam mê trong các công trình nghiên cứu”.

Ông James Cronin cùng các sinh viên VN sau buổi thuyết trình -
Ông James Cronin cùng các sinh viên VN sau buổi thuyết trình - (Ảnh: Việt Dũng)

Cuộc giao lưu giữa ông James và các sinh viên dần dần thoát ra khỏi chủ đề chính của buổi thuyết trình khi các câu hỏi được đặt ra đề cập nhiều vấn đề khác nhau xung quanh câu chuyện khoa học. Khá nhiều sinh viên “ngoại đạo” đã tìm được cho mình những bài học lý thú trong buổi thuyết trình của ông James.

Đỗ Xuân Long, sinh viên khoa hóa Đại học Bách khoa Hà Nội, nói rằng bạn không hiểu hết những nội dung ông James trình bày nhưng lại rất khâm phục những gì ông đã làm. Một bạn sinh viên khác đến từ khoa toán Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cẩn thận ghi âm lại buổi thuyết trình để có thể hiểu sâu hơn về những gì ông James trình bày.

Người dẫn chương trình dù nhiều lần nói rằng cho thêm “một câu hỏi cuối” nhưng phải “cứng rắn” mới chấm dứt được buổi thuyết trình. Mặc dù vậy, ông James vẫn nhiệt tình nán lại trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ. Ông nói: “Tôi tiếc là chiến tranh giữa Mỹ và VN đã xảy ra. Vì thế, có cơ hội giúp VN là tôi thực hiện”.

Các lần đến VN trước đây của ông James chính là minh chứng cho lời nói của ông. Với uy tín của mình, ông đã giúp các nhà vật lý trẻ VN tham gia đề án quốc tế của nhà bác học Pháp Pierre Auger về nghiên cứu các tia vũ trụ năng lượng siêu cao. Ngoài ra, ông liên tục nhận các sinh viên VN sang học tập và làm việc tại Đại học Chicago.

Lần trở lại VN năm nay, cùng với buổi thuyết trình này, ông James còn tham gia “Gặp gỡ VN” (chương trình giao lưu giữa các nhà khoa học vật lý VN và quốc tế diễn ra từ ngày 7 đến 12-8 tại Hà Nội) cùng hơn 200 nhà khoa học để trao đổi kinh nghiệm, trình bày những nghiên cứu khoa học mới nhất.

K.HƯNG

Theo Tuổi trẻ
  • 665