Kiến trúc lớn thời Lý phát lộ ở Hoàng thành Thăng Long

  •  
  • 1.520

Dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý ở trục Trung tâm lần đầu tiên được phát hiện có thể là minh chứng cho thấy cung điện ngày xưa được xây dựng, trang trí rất công phu.

Ngày 11/12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khai quật Hoàng thành Thăng Long năm 2013. Sau 4 lần khai quật 2 hố rộng hơn 100m2, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật, dấu tích. Lần đầu tiên tìm thấy dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý ở trục Trung tâm.

Kiến trúc lớn thời Lý phát lộ ở Hoàng thành Thăng Long
Dấu tích móng trụ thời Lý được phát lộ trong cuộc khai quật năm 2013 tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Lê Hiệp)

14 móng trụ sỏi chạy theo hướng Đông - Tây đã xuất lộ, trong đó 12 móng nằm thẳng hàng, đăng đối. Các nhà khoa học cũng xác định được vị trí của 4 gian (5,1-6,3 mét) và 1 chái (2,1 mét) ở phía Đông. Hai móng còn lại nằm tiếp giáp chái phía Đông của kiến trúc này được cho là của kiến trúc khác, chưa rõ quy mô.

Các dấu tích nền sân lát gạch đều nằm phía dưới các di tích thời Trần. Trong đó, nền sân ở phía Đông còn lại khá hoàn chỉnh, toàn bộ là gạch vuông màu đỏ tươi kích thước 38 x 38cm.

Theo PGS TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, các phát lộ kiến trúc thời Lý này có thể là minh chứng cho cung điện ngày xưa được xây dựng, trang trí rất công phu.

Ngoài các phát lộ này ở thời Lý, các nhà khoa học còn tìm thấy dấu tích xây dựng sân nền bằng đất sét được làm rất kỹ, kiên cố và đường nước lớn chạy theo hướng Đông - Tây. Năm 2012, đường nước đầu tiên của nhà Lý được phát lộ gây xôn xao dư luận. Không ít người cho rằng, tên "đường nước" thay bằng "cống" chỉ là cách gọi chệch đi khi các nhà khảo cổ học chưa khám phá ra công dụng của dấu tích này.

Tuy nhiên, PGS TS Tống Trung Tín chia sẻ rằng, việc gọi "đường nước" là cần thiết. "Đó có thể là đường thoát nước mang tính chất tiêu thoát hoặc đường nước tâm linh. Ở các khu linh thiêng vẫn thường có suối nước mà người ta coi bước qua cái đó là cách để tẩy trần trước khi bước vào nơi trung tâm như Điện Kính Thiên", Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nói.

Kiến trúc lớn thời Lý phát lộ ở Hoàng thành Thăng Long
Đường nước lớn thời nhà Trần là một trong những phát hiện quan trọng của cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long 2013. (Ảnh: Lê Hiệp)

Phát hiện quan trọng tiếp theo trong cuộc khai quật năm 2013 thuộc về thời Trần với 3 kiến trúc: móng trụ được xây bằng ngói vụn, dấu tích tường bao, dấu bồn hoa. Các nhà khoa học cũng tìm thấy một đường nước dài hơn 16m, rộng 35 - 50cm, sâu 1,5m chạy song song với đường nước thời Lý. Gạch xây có vài viên in chữ Hán "Vĩnh Ninh Trường" - loại niên đại thời Trần.

Còn thời Lê Sơ, các nhà khảo cổ tìm thấy nền đất sét đắp khá kỹ ở tất cả các hố dấu tích nền gạch vồ màu đỏ. Thời Lê Trung Hưng xác định dấu tích 2 móng kiến trúc có các móng trụ kính thước lớn, bó nền, móng tường bao. Tuy nhiên, các dấu tích kiến trúc này chồng xếp khá phức tạp gây khó khăn cho việc khẳng định niên đại.

Dấu tích thời Nguyễn được tìm thấy là móng trụ của các kiến trúc có vị trí gần trùng khớp với kiến trúc trên bản đồ thời Nguyễn (1821 - 1831). Trong các hố khai quật tiếp tục phát lộ hệ thống di vật phong phú qua các thời kỳ lịch sử Thăng Long. Việc chỉnh lý chi tiết các di vật này đã cho biết rõ thêm về đặc trưng tính chất các kiến trúc nghệ thuật trang trí trong khu vực trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Cuộc thăm dò khai quật năm 2013 đã xác định được rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn; bước đầu xác định di tích kiến trúc của các thời kỳ xuất lộ dày đăc, chồng xếp lên nhau, cắt phá, đàn xen vô cùng phong phú, phức tạp. Cuộc khai quật cũng dần hé lộ không gian chính Điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy rõ được bố cục kiến trục thời Lý, Trần ở đây.

Kiến trúc lớn thời Lý phát lộ ở Hoàng thành Thăng Long
Cuộc khai quật năm 2013 cũng phát hiện ra nhiều di vật quan trọng, trong đó nổi bật có đầu rồng lớn thời nhà Trần. (Ảnh: Quỳnh Trang)

Đề cập tới hướng bảo tồn di sản, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Sử học Việt Nam cho rằng, không nên dừng lại ở kết quả thăm dò mà cần mở rộng thêm hố khai quật để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về khu di tích. "Bên cạnh đó, chúng ta nên công bố các kết quả nghiên cứu được tới cộng đồng để giới nghiên cứu và toàn dân đều được hưởng thụ những di tích của bao thời đại cha ông", GS Huy Lê nói.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội cho biết sẽ lập kế hoạch giới thiệu kết quả khai quật từ năm 2008 đến nay để trình cấp trên xin phép trưng bày phục vụ nhân dân.

Cập nhật: 09/11/2017 Theo VNE
  • 1.520