Kỹ thuật mới giúp thu thập thông tin nhằm quản lý thiên tai

  •  
  • 762

Hai phụ nữ đang kiểm tra điện thoại di động của họ trong khi họ đang bán hàng rong trên cây cầu bắc qua sông Artibonit, khu vực có nguồn nước được cho là nguồn bùng phát bệnh dịch tả vào năm 2010 ở Haiti.

Người dân Haiti đã trải qua một năm 2010 đầy bất trắc. Khởi đầu là một trận động đất dữ dội đã giết chết hơn 300.000 người, hầu hết nạn nhân là những cư dân đang sinh sống ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti. Tiếp theo đó là một trận đại dịch bệnh dịch tả đã bùng phát ở một tỉnh phía Bắc Haiti, tại một trại tị nạn do Liên Hiệp Quốc kiểm soát và cuối cùng đã lây lan đến thủ đô Port-au-Prince.

Nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Linus Bengtsson làm việc tại Viện Karolinska, Thụy Điển, đã rút ra được bài học hữu ích từ thảm kịch này: điện thoại di động có thể giúp ngăn chặn hiệu quả một trận đại dịch bệnh đang diễn ra và là kênh truyền thông hỗ trợ hiệu quả cho những người nghèo trong các khu vực xảy ra thiên tai, dịch bệnh .

Ngay sau trận động đất, Linus Bengtsson làm việc tại Viện Karolinska Thụy Điển đã thành lập một nhóm các nhà nghiên cứu nhằm cung cấp sự hỗ trợ cần thiết thông qua việc tận dụng hệ thống điện thoại di động ở Haiti. "Khi mọi người bắt đầu di chuyển xung quanh, đây là hành động mà mọi người thường làm sau khi trải qua một thảm họa tự nhiên, chính điều này gây khó khăn cho công việc xác định chính xác khu vực cần được trợ giúp", theo Bengtsson.

Khoảng 1/3 dân số của Haiti có điện thoại di động. Vì vậy, Bengtsson và các đồng nghiệp đã hợp tác với công ty điện thoại di động Digicell để theo dõi các cuộc gọi từ các chủ thuê bao của thẻ SIM trong điện thoại.

Dù rằng, chủ sở hữu của các thuê bao điện thoại này vẫn còn vô danh, nhưng vị trí các cuộc gọi đã cho thấy rằng có khoảng 600.000 người đã rời khỏi thủ đô Port-au-Prince Haiti, trong vòng ba tuần sau khi xảy ra trận động đất. Chính thông tin này đã làm giảm bớt áp lực căng thẳng đang đè nặng lên các nhóm hỗ trợ trong thành phố, nhưng không phải trong lâu dài. Ngay sau đó, các bản đồ thể hiện các cuộc gọi điện thoại cho thấy, hầu hết những người tị nạn này đã quay trở về thủ đô vì ở các vùng nông thôn không có đủ thực phẩm.

Nhờ vào kinh nghiệm theo dõi sự di chuyển của người dân thông qua các cuộc gọi điện thoại di động sau trận động đất này (như là một bằng chứng về nguyên tắc hành động hiệu quả trong hoạt động cứu trợ thiên tai), nhóm các nhà nghiên cứu đã thật sự gặt hái được những kết quả khả quan khi áp dụng hệ thống theo dõi trên nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của trận đại dịch bệnh dịch tả sau này.

Kết quả của nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí PLoS Medicine.

Richard Garfield đến từ Đại học Columbia, Hoa Kỳ và là thành viên của nhóm nghiên cứu tiết lộ rằng: "Họ đã theo dõi những người rời khỏi tâm điểm của trận đại dịch này, gần thành phố St. Marc. Và thông báo cho các nhân viên y tế di chuyển đến những khu vực có người bị nhiễm bệnh, việc làm này đã thực sự mang lại hiệu quả", Garfield nói.

"Nhờ vào việc theo dõi các cuộc cuộc gọi điện thoại này mà hầu hết cư dân trong các khu vực nguy cơ đã được di chuyển ra khỏi khu vực bùng nổ bệnh dịch tả", Garfield nói.

Song song với việc tư vấn cho các nhân viên y tế về các khu vực mà dịch bệnh sẽ lây lan, nhóm các nhà nghiên cứu còn gửi qua điện thoại các chỉ dẫn tư vấn về y tế cho người dân Haiti thông qua các văn bản hoặc thư thoại về những điều đại loại như: nên rửa tay thường xuyên, cho những người bị ốm uống bù nước và tiếp tục cho các em bé bị nhiễm bệnh uống sữa mẹ.

Các nhà nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm cho biết có thể áp dụng kỹ thuật theo dõi thông qua các cuộc gọi điện thoại di động này nhằm ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh ở những trận đại dịch khác. "Tôi nghĩ rằng kỹ thuật này thật sự hữu ích", theo Andrew Tatem, người nghiên cứu bệnh sốt rét tại Đại học Florida, Hoa Kỳ. "Tôi nghĩ rằng thông qua việc sử dụng kỹ thuật này, chúng ta đang dần hình thành khái niệm mới trong tương lai về việc thu thập thông tin nhằm quản lý thiên tai".

Hồ Duy Bình
  • 762