Làm mát hành tinh bằng cách trồng đúng loại cây

  •   52
  • 768

Bằng cách lựa chọn một cách cẩn thận những loại cây trồng lương thực, có thể làm giảm nhiệt độ phần lớn khu vực châu Âu và Bắc Mỹ xuống 1°C trong vụ mùa hè, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bristol, Anh Quốc cho biết. Điều này tương đương với làm giảm nhiệt độ toàn cầu hàng năm xuống 0,1°C, tương đương với 20% nhiệt độ tăng lên trên toàn cầu kể từ Cuộc cách mạng công nghiệp.

Việc phát triển cây trồng tạo ra tác động làm mát khí hậu vì chúng phản chiếu ánh sáng mặt trời quay trở lại không gian. Những loại cây trồng khác nhau có sự khác biệt đáng kể về khả năng phản chiếu ánh sáng, vì vậy việc lựa chọn những loại cây trồng có khả năng phản chiếu cao hơn sẽ hỗ trợ cho tác động làm mát này. Vì trồng trọt là một ngành có quy mô toàn cầu, tác động làm mát sẽ có hiệu lực trên phạm vi rộng.

Tiến sĩ Andy Ridgwel và các đồng nghiệp tại Đại học Bristol tranh luận rằng chúng ta nên chọn những loại cây trồng phù hợp để có thể kiểm soát phần nào khí hậu, tương tự với cách chúng ta hiện đang canh tác những loại cây nhằm tối đa hóa sản lượng lượng thực.

Tiến sĩ Ridgwel cho biết: “Chúng tôi đã đánh giá tác động của phương pháp này trên mô hình khí hậu toàn cầu. Bằng cách chọn một số loại cây trồng nhất định, đánh giá về khả năng phản xạ tăng lên dẫn đến dự đoán của chúng tôi rằng nhiệt độ mùa hè sẽ có thể được giảm hơn 1°C ở khu vực trung tâm Bắc Mỹ và vĩ độ trung khu vực Âu Á. Tác động làm mát khí hậu khu vực có thể được thực hiện qua việc lựa chọn giống hoặc biến đổi gen để tận dụng khả năng phản chiếu ánh sáng của cây trồng”.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng không giống như việc trồng những cây nhiên liệu sinh học, kế hoạch này có thể được thực hiện mà không ảnh hưởng đến sản lượng lương thực. Ridgwell giải thích: “Chúng tôi để xuất lựa chọn những giống khác nhau của cùng một loại cây trồng để tối đa hóa khả năng phản chiếu ánh sáng của loại cây trồng đó, chứ không thay đổi loại cây trồng, mặc dù cách đó cũng có thể đem lại lợi ích nhất định đối với khí hậu”.

 

Tác động làm mát tiềm năng của việc trồng những cây trồng phản chiếu ánh mặt trời trong 100 năm tới. Hình ảnh bên trái cho thấy sự tăng nhiệt độ được dự đoán vào cuối thế kỷ này, do nồng đồ CO2 tăng gấp đôi. Hình ảnh bên phải cho thấy tác động làm mát của việc trông những cây phản chiếu ánh mặt trời. Tỷ lệ màu: trắng = 2 độ ấm lên (hoặc ít hơn) đến đen = 8 độ ấm lên (hoặc hơn).

Trong một trăm năm tới, những quyết định này tương đương với ngăn ngừa 195 tỷ tấn CO2 giải phóng vào khí quyển. Những người nông dân nên được khuyến khích để gieo trồng những loại cây đó bằng cách phát hành tín dụng cácbon. Ridgwell tính toán rằng nếu cơ chế này được thực hiện, những người nông dân sẽ kiếm 23 euro một hecta mỗi năm. Cây trồng nhiên liệu sinh học hiện kiếm được 45 euro một năm, nhưng lại lãng phí một phần đất nông nghiệp quý báu cần thiết cho việc trồng cây lương thực.

Cây trồng khác biệt về khả năng phản chiếu ánh sáng mặt trời vì sự khác biệt trong thuộc tính của bề mặt lá và cách phân bố lá. Nhóm nghiên cứu do đó đề xuất rằng những loại cây trồng nên được lựa chọn dựa trên thuộc tính phản chiếu ánh sáng cùng với các suy xét khác như khả năng chế biến lượng thực của một giống.

Vì xã hội vẫn không sẵn lòng giảm mạnh việ sử dụng nhiên liệu hóa thạch để giảm việc giải phóng cácbon đioxit, đó đó những giải pháp thay thế đơn giản như việc trồng thêm những cây trồng có khả năng phản chiếu ánh sáng mặt trời cao là một phương pháp thực tế nhằm giảm bớt sự nghiêm trọng của các đợt nóng và hạn hán. Kết quả có thể đạt được trong thời gian ngắn với chi phí rất thấp.

Ridgwell nhận xét: “Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu về tính đa dạng trong khả năng phản chiếu ánh sáng mặt trời hiện tồn tại giữa những loại và giống cây trồng khac snhau. Chúng tôi đang tìm tài trợ để có thể xác định số lượng có thể, tính đa dạng cho việc chọn giống trong tương lai, và liệu có cần đến những biện pháp biến đổi gen hay không”.

Tham khảo:
Andy Ridgwell, Joy S. Singarayer, Alistair M. Hetherington and Paul J. Valdes. Tackling Regional Climate Change by Leaf Albedo Bio-geoengineering. Current Biology, January 27, 2009

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 52
  • 768