LHQ kêu gọi tăng cường cảnh giác phòng chống cúm gia cầm

  •  
  • 40

Ngày 23-10, Tiến sĩ David Nabarro, Điều phối viên cấp cao của Liên hiệp quốc về dịch cúm ở người và gia cầm, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường cảnh giác trong nỗ lực phòng chống dịch cúm gia cầm và sẵn sàng đối phó với những tác động đến con người. Các biện pháp phòng chống cần thể hiện tính lâu dài như đầu tư và nâng cấp dịch vụ thú y, chủ động đối phó với nguy cơ cúm gia cầm lây từ người sang người.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Tiến sĩ Nabarro tổng kết trong năm 2006, dịch cúm gia cầm đã bùng phát thêm ở hơn 30 quốc gia với 256 trường hợp lây nhiễm, trong đó có 151 ca tử vong. Những diễn biến phức tạp của cúm gia cầm thời gian gần đây ở Indonesia khiến cộng đồng quốc tế lo lắng về nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm này sang người. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 43 trường hợp tử vong trong số 53 người nhiễm cúm gia cầm ở Indonesia. Theo ông Nabarro, virus gây cúm gia cầm đã xuất hiện ở 30 trên tổng số 33 tỉnh thành của Indonesia, buộc Chính phủ nước này phải nhanh chóng tổ chức lại ngành thú y; đồng thời tăng cường hợp tác với LHQ nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống cúm.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố Chương trình hành động toàn cầu, kêu gọi chính phủ các nước tăng cường sản xuất vắcxin nhằm đáp ứng nhu cầu đối phó với nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt là dịch cúm gia cầm. Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo tình trạng thiếu vắcxin trầm trọng hiện nay trên thế giới, không thể đáp ứng nhu cầu đối phó với nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm.

Hiện nay, mỗi năm thế giới chỉ sản xuất được 350 triệu liều vắcxin phòng chống cúm theo mùa, trong khi theo Tiến sĩ Marie-Paule Kieny, người chỉ đạo thực thi Sáng kiến nghiên cứu vắcxin của WHO, thế giới cần tới hàng tỷ liều vắcxin để bảo vệ tính mạng con người trước nguy cơ lây nhiễm cúm. Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế cần có hành động kịp thời nhằm giải quyết nhu cầu trên.

WHO hy vọng Chương trình hành động toàn cầu sẽ góp phần giảm bớt khoảng cách về năng lực sản xuất vắcxin ở các nước trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm tới. WHO dự tính chi phí cho chương trình này vào khoảng từ 3 đến 10 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Theo TTXVN, Tuổi trẻ
  • 40