Lịch sử ra đời nhiếp ảnh màu, từ ước mơ thành hiện thực

  •  
  • 1.097

Mỗi lần ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống hoặc cảnh đẹp xung quanh, chúng ta thường mong muốn kết quả có được là những tấm ảnh màu với sắc độ trung thực cũng như tái hiện lại đúng với những gì đang nhìn thấy. Tuy nhiên, khi mọi thứ hiện nay trong ảnh đều được thể hiện bằng màu sắc, liệu có bao nhiêu người nhận ra được các nhà khoa học đã tốn bao lâu để có thể mang lại kỷ nguyên ảnh màu cho ngày hôm nay?

Lịch sử ra đời của nhiếp ảnh màu

Ngày xưa, vào thời điểm mà chúng ta bắt đầu nhận ra được có thể chụp ảnh bằng cách thu ánh sáng vào trong máy ảnh, lúc đó con người cũng mong muốn khai thác màu sắc đưa vào trong ảnh chụp. Những thí nghiệm này bắt đầu vào những năm giữa thế kỷ 19, ban đầu các nhà khoa học và nhiếp ảnh gia muốn tìm ra một loại vật liệu có thể "thu hoạch" được dải màu trong ánh sáng để đưa vào ảnh. Và cuối cùng vào năm 1851, đã có người tìm ra cách chụp được ảnh màu đầu tiên.

Lịch sử ra đời nhiếp ảnh màu, từ ước mơ thành hiện thực
Ảnh của Levi Hill.

Linh mục Levi Hill là người đã phát hiện ra quy trình chụp ảnh màu này. Trước đây ông từng sử dụng quy trình Daguerre để chụp ảnh nhưng cảm thấy thất vọng vì nó không thể tái tạo được màu sắc trong ảnh. Rất nhiều người tỏ vẻ hoài nghi khi Hill tuyên bố rằng ông đã tìm ra quy trình chụp ảnh mới này. Ông đã từ chối chia sẻ quy trình của mình mãi cho đến năm 1856, khi ông bắt đầu đề cập đến trong cuốn sách của mình. Tuy nhiên khi các nhiếp ảnh gia có được trên tay cuốn sách này, họ nhận thấy rằng thực tế công thức này quá phức tạp nên gần như vô dụng đối với họ.

Tuy nhiên mãi cho đến năm 2007, các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Hoa Kỳ đã phân tích công trình của Hill và nhận ra rằng ông ta đã thực sự tìm ra cách tái tạo màu trên ảnh vào thời điểm đó. Các nhà nghiên cứu nhận thấy quy trình của ông rất nhợt nhạt và ông đã sử dụng thuốc màu để tăng thêm màu cho các bức ảnh. Như vậy, Levi Hill không hề nói dối về phát minh của mình, chẳng qua là ông đã "hậu kỳ" thêm cho các tác phẩm của mình.

Vào năm 1886, nhà vật lý học Gabriel Lippmann đã sử dụng kiến thức của mình để tạo nên một tác phẩm ảnh màu, chúng ta có thể xem đây là bức ảnh màu đầu tiên của nhân loại mà không cần dùng qua thuốc nhuộm. Được biết, ông đã khai thác quá trình này bằng cách dựa trên hiện tượng giao thoa và sóng quang học. Đến năm 1906, ông đã giới thiệu quá trình xử lý của mình với ảnh màu, trong đó gồm những tấm ảnh chụp con vẹt, một rổ cam, các lá cờ và một cửa sổ có hoa văn màu trên kính. Với phát mình này, ông đã nhận được giải Nobel Vật Lý.

Lịch sử ra đời nhiếp ảnh màu, từ ước mơ thành hiện thực
Tác phẩm ảnh chụp của Lippmann.

Có lẽ nhiều người lúc này đã nghĩ rằng câu chuyện nhiếp ảnh màu sẽ dừng lại với phát minh giao thoa của Lippmann, tuy nhiên thực sự thì đây chỉ mới là sơ khai. Phát minh của ông vẫn còn quá phức tạp, theo đó lớp nhũ tương trong phim cần thời gian lộ sáng nhiều hơn, và quy trình xử lý cần ử dụng thủy ngân độc hai.

Cũng vào thời điểm này, Jame Clerk Maxwell, một nhà vật lý học người Scotland đã dày công nghiên cứu và định nghĩa ra được lý thuyết ảnh màu, khởi đầu cho phương pháp chụp ảnh màu sau này của chúng ta. Theo đó, Maxwell đã dùng máy ảnh chụp một cảnh vật qua 3 kính lọc màu khác nhau, gồm đỏ, xanh lá và xanh dương. Khi các ảnh này được đưa lên máy chiếu cùng với kính lọc phù hợp, chúng sẽ tạo ra ảnh màu thực sự. Sau đó, vào năm 1861, ông đã trình bày nguyên tắc chụp ảnh này tại Viện Hoàng Gia, kèm theo đó là bức ảnh dây ruy-băng ba màu nổi tiếng của ông.

Lịch sử ra đời nhiếp ảnh màu, từ ước mơ thành hiện thực
Bức ảnh màu nổi tiếng của James Clerk Maxwell.

Tuy nhiên, việc chụp một khung cảnh hoặc vật thể với 3 tấm ảnh khác nhau cùng 3 kính lọc màu khác nhau thì không hề dễ dàng chút nào, ví dụ như máy ảnh có thể tình cờ bị di chuyển do tác động bên ngoài, hoặc khung cảnh hay vật thể cũng bị thay đổi đi so với ban đầu. Và để khắc phục vấn đề này, 2 chiếc máy ảnh màu đã được phát minh nhằm hỗ trợ các nhiếp ảnh gia trong công cuộc chinh phục ảnh màu.

Mãi về sau, Louis Ducos du Hauron đã đưa ra một ý tưởng tốt hơn cho tiến trình chụp ảnh màu: xếp chồng 3 nhũ tương nhạy màu khác nhau trên phim, và từ đó ánh sáng có thể đi qua lớp phim cùng một lúc mà chỉ cần sử dụng với máy ảnh bình thường. Theo đó, lớp nhũ tương nhạy ánh sáng xanh dương sẽ nằm ở trên cùng, tiếp theo sẽ là lớp nhũ tương màu xanh lá và cuối cùng là màu đỏ. Ý tưởng này của Hauron đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nhiếp ảnh thế giới. Tuy nhiên, cách thức này vẫn có một trở ngại, đó là ánh sáng bị yếu đi sau mỗi lần đi qua các lớp nhũ tương.

Lịch sử ra đời nhiếp ảnh màu, từ ước mơ thành hiện thực

Mặc dù đây vẫn chưa phải là giải pháp hoàn hảo, tuy nhiên sản phẩm này vẫn được bán ra cho người tiêu dùng. Vào đầu những năm 1930, Agfa-Ansco của Mỹ đã cho sản xuất một loại phim mang tên Colorol. Những người tiêu dùng mua loại phim này và sau khi chụp xong sẽ gửi lại cho Agfa-Ansco để được tráng phim. Chất lượng hình ảnh thời đó vẫn chưa đủ độ nét cao vì ảnh sáng vào bị phân tán sau mỗi lần đi qua lớp nhũ tương, tuy nhiên vẫn đủ làm hài lòng đối với những người không chuyên.

Lịch sử ra đời nhiếp ảnh màu, từ ước mơ thành hiện thực

Đến năm 1935, Kodak đã giới thiệu loại phim màu mới với tên gọi Kodachrome. Nhưng lạ thay, sản phẩm này ban đầu được phát triển bởi hai nhạc sĩ Leopold Mannes và Leopold Godowsky, Jr. Hai người này sau đó đã được phòng nghiên cứu Kodak tuyển dụng và đã tạo nên những loại phim yêu thích cho đến ngày nay.

Phương pháp của Kodak thời điểm đó là sử dụng 3 lớp nhũ tương đặt trên cùng một đế phim, có khả năng bắt bước sóng màu đỏ, xanh lá và xanh dương. Đến những năm 1960, phim Kodachrome của Kodak cùng một số nhãn hàng phim khác cũng được bắt đầu xuất hiện trên thị trường, tuy nhiên giá thành vẫn còn đắt so với phim trắng đen. Cho đến những năm 1970, giá thành đã giảm đi đủ để đưa ảnh màu đến tay người tiêu dùng nhiều hơn. Và cuối cùng vào những năm 1980, phim trắng đen đã không còn thống trị ở thể loại ảnh chụp hàng ngày nữa.

Lịch sử ra đời nhiếp ảnh màu, từ ước mơ thành hiện thực
Ảnh chụp bằng phim Kodachrome bởi nhiếp ảnh gia Chalmers Butterfield.

Đến năm 2010, những cuộn phim Kodachrome cuối cùng trong dây chuyền sản xuất đã được xuất xưởng và chấm dứt dòng đời tại đây, sự việc này đã khiến rất nhiều người chụp ảnh phim tiếc nuối cũng như thất vọng. Điều này cũng dễ hiểu vì bắt đầu vào thời điểm này, cơn sốt chụp ảnh kỹ thuật số đã bùng nổ, dẫn đến việc chúng ta vô tình khép đi cánh cửa ảnh phim.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.097