Liệt do tổn thương cột sống vẫn có thể tự phục hồi

  •   2,52
  • 3.870

Khi tuỷ sống bị tổn thương, chúng khoá chết các tín hiệu trực tiếp từ não và gây ra liệt. Một nghiên cứu mới đã phát hiện não và tuỷ sống có thể tổ chức lại chức năng sau những tổn thương thần kinh tuỷ sống.

Một tổn thương tuỷ sống - ví dụ, từ tai nạn xe cộ - có thể gây liệt các bộ phận bên dưới chỗ bị tổn thương. Nhiều nhà khoa học đã nản lòng vì những thất bại trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị cho các bệnh nhân bị liệt vì những tổn thương như vậy.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu Mỹ đã phát hiện khi tuỷ sống tổn thương khoá chết các tín hiệu trực tiếp từ não, nhưng thông điệp vẫn có thể đi vòng quanh chỗ bị tổn thương. Đây là hy vọng tìm ra phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị liệt do tổn thương cột sống.

Một hy vọng mới

Các nhà khoa học đã tìm hiểu làm cách nào chuột có thể đi đứng trở lại sau khi bị tổn thương cột sống. Qua đó, họ hy vọng sẽ tìm ra được phương cách để giúp những bệnh nhân bị liệt do những tổn thương tương tự. Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Nature Medicine, đã cho thấy não và tuỷ sống có thể tổ chức lại chức năng sau những tổn thương thần kinh tuỷ sống. Những truyền đạt thông tin cần thiết để giúp chức năng đi đã được khôi phục ở cấp độ tế bào.

Các nhà khoa học đã tìm ra cơ chế giúp chuột tự hồi phục khả năng đi lại. Đây là hy vọng cho bệnh nhân bị liệt. (Ảnh: Reuters)

Não và cột sống giống như trải qua quá trình tự viết lại chương trình điều khiển khả năng di chuyển thậm chí ngay cả thiếu đi dây thần kinh trung ương thương nối kết não tới trung tâm điều khiển di chuyển ở phía dưới cột sống. "Đây không phải là phần cuối câu chuyện. Nó chỉ là sự khởi đầu," người chủ trì của nghiên cứu, BS. Michael Sofroniew, giáo sư thần kinh thực vật học tại trường Y David Geffen - ĐH California, Los Angeles, nói.

Theo các nhà nghiên cứu, trong phòng thí nghiệm, những con chuột bị tổn thương dây thần kinh dần dần vượt qua giai đoạn 8 - 10 tuần và bắt đầu có thể đi lại được, mặc dù không còn tốt như trước khi bị thương.

Ông cho biết họ đã nhận dạng được những cơ chế tự hồi phục sau khi thần kinh bị tổn thương mà trước đây các nhà khoa học đã không phát hiện ra. Nhóm nghiên cứu cần phải tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu làm cách nào để khai thác các cơ chế này một cách tốt nhất, thông qua chương trình huấn luyện phục hồi chức năng và tìm cách kích thích các tự phục hồi.

Cơ chế "đi vòng"

Các tổn thương tuỷ sống làm bế tắc con đường mà não đã sử dụng để dẫn truyền thông tin tới các tế bào thần kinh kiểm soát vận động. Nhiều chuyên gia đã từng suy nghĩ và tìm cách nào đó phát triển lại hệ thần kinh trung ương nối từ não đến tận đốt sống cuối cùng của tuỷ sống.

Phát hiện mới như đã nói ở trên là, khi tuỷ sống bị tổn thương khoá chết các tín hiệu trực tiếp từ não, những thông điệp vẫn có thể đi vòng quanh chỗ bị tổn thương. Vì vậy, thay vì sử dụng một sợi dây thần kinh trung ương dài, các thông điệp đã được truyền đi thông qua hàng loạt các kết nối ngắn hơn để đưa các mệnh lệnh từ não đến chân, giúp chân cử động được.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khoá một nửa sợi dây thần kinh trung ương ở mỗi bên tuỷ sống, nhưng vẫn không gây ảnh hưởng đến trung tâm. Đây là nơi tập trung hàng loạt các sợi thần kinh ngắn hơn chuyên chở thông tin trên các quãng đường ngắn, lên và xuống trong tuỷ sống. Sau đó, họ gây tắc nghẽn các con đường ngắn đó, điều đó gây ra tình trạng liệt.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ thống thần kinh đã đưa các thông điệp từ não đi vòng đến tuỷ sống bằng cách sử dụng các con đường ngắn đó.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu hy vọng họ tìm cách kích thích các tế bào thần kinh trong tuỷ sống phát triển và hình thành những con đường mới thông qua hoặc đi vòng qua chỗ tổn thương, truyền đạt thông tin chỉ huy từ não xuống trực tiếp các tế bào để giúp bệnh nhân liệt hồi phục.

Hương Cát

Theo Reuters, Vietnamnet
  • 2,52
  • 3.870