Linh dương đầu bò

  •  
  • 2.758

Nếu tình cờ đối mặt với những con thú hoang này chắc hẳn nhiều người ngạc nhiên vì đầu là đầu bò, sừng là sừng bò, đuôi là đuôi ngựa (cuối đuôi là một chùm lông dài màu đen), dáng vẻ nặng nề. Chúng không phải là bò hoang, cũng chẳng phải ngựa hoang, trông những con vật này "bặm trợn" như thế nhưng chúng lại thuộc họ nhà linh dương.

Chỉ cần đến gần, những con vật "đáng sợ" này sẽ bỏ chạy một cách hoảng loạn trước con người. Những gã "đầu bò" này hiền lành và nhút nhát, chỉ biết chuyên tâm ăn cỏ. Chúng sẽ trở thành những "gã hề" thực sự mỗi khi hoảng sợ.

Cả ngày lẫn đêm chúng luôn trong trạng thái cảnh giác và luôn sẵn sàng... chạy. Mùa khô, người ta thường thấy những đàn linh dương đầu bò cả ngàn con cùng đi về vùng có nước uống. Đến mùa mưa, đàn lớn có khuynh hướng tản ra và hình thành những đàn nhỏ suốt khoảng thời gian còn lại của năm. Chúng cũng phải thường xuyên di chuyển đến vùng đất có cỏ mọc sau mưa.

Về chuyện "thê thiếp" thì linh dương đầu bò nổi tiếng khắp... châu Phi, trong mùa giao phối, người ta thường thấy những đàn linh dương đầu bò khoảng 150 con nhưng chỉ chừng có 1 con đực, vậy mà những con đực này tìm cách "tán tỉnh" những con cái đi ngang qua.

Còn những con đực không đủ tài "rủ rê" con cái thì tụ họp lại với nhau thành những đàn "trai tơ" lang thang trên bước đường "cô đơn vạn dặm".

Sau khoảng thời gian mang thai từ 8 đến 9 tháng, con cái đẻ ra con non vào khoảng tháng hai hay tháng ba. 30 phút sau khi chạm đất chào đời, con non đã có thể đứng dậy và chạy tới, chạy lui - tài nghệ này thực sự quan trọng đối với chúng, để tránh làm mồi cho sư tử, báo và chó hoang dã.

Mỗi lứa linh dương mẹ chỉ đẻ được 1 con, mỗi năm những con linh dương mang thai trong cả đàn thường đồng loạt đẻ cùng một thời gian. Cơ man nào là linh dương non cũng chào đời chỉ cách nhau vài ngày. Chính vì vậy, sư tử, báo, chó hoang dã,... có ăn thịt rất nhiều con non cũng không sao ăn hết thế hệ linh dương tương lai. Khi linh dương đầu bò non lớn lên một chút nữa thì chúng đã có thể chạy nhanh để tránh thú dữ, bảo tồn nòi giống.

Tên khoa học là Connochaetes taurinus. Con đực trưởng thành có thân hình dài khoảng 2,4m; nặng khoảng 275kgl; cao khoảng 1,2m. Con cái hơi nhỏ hơn con đực. Cả hai đều có sừng cong. Phân bố trải dài từ phía nam Kenya đến hết vùng Nam Phi.

H.T (Theo Thế giới sinh vật lạ)
  • 2.758