Lộ diện nền văn minh bí ẩn ở Indonesia

  •  
  • 3.481

Các nhà khoa học tin rằng đã tìm thấy dấu tích của nền văn minh Tambora bị mất dấu của Indonesia. Toàn bộ xã hội cổ xưa này đã bị quét sạch vào năm 1815 bởi một đợt phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử.

Haraldur Sigurdsson tại hiện trường khai quật trên núi Tambora. (Ảnh: AP)

Thảm hoạ từ ngọn núi Tambora vào ngày 10/4/1815 đã chôn vùi toàn bộ sinh vật sống trên hòn đảo Sumbawa dưới các lớp tro bụi, đất đá.

Lần theo sóng radar rà soát mặt đất, các nhà nghiên cứu Mỹ và Indonesia đã đào ra được một cái rãnh nơi họ tìm thấy dấu tích của một ngôi nhà bằng rơm rạ, đồ gốm, đồng, bộ xương của 2 người, tất cả nằm dưới lớp trầm tích có từ đợt phun trào núi lửa.

Nhà nghiên cứu núi lửa Haraldur Sigurdsson tại Đại học Rhode Island đã ước tính khoảng 10.000 người sống ở thị trấn khi núi lửa đột ngột bùng nổ, tương tự như đợt phun trào chôn vùi thành phố Pompeii của La Mã.

Cơn giận dữ của ngọn núi Tambora đã bắn vào không trung 400 triệu tấn khí lưu huỳnh, làm toàn bộ hành tinh lạnh giá và tạo nên giai đoạn mà các sử gia gọi là "Một năm không có mùa hè". Các trang trại ở Maine, Mỹ, bị một đợt băng giá giết sạch mùa màng vào tháng 6, 7, 8. Ở Pháp và Đức, các vụ mùa nho và ngô bị huỷ hoại, việc thu hoạch bì đình trệ.

Nền văn minh trên hòn đảo Sumbawa đã gây tò mò cho các nhà nghiên cứu kể từ khi một nhóm thám hiểm Hà Lan và Anh đến thăm vùng đất này vào đầu những năm 1800. Họ vô cùng ngạc nhiên khi nghe thấy một ngôn ngữ không hề giống với thứ tiếng nào được nói ở Indonesia. Một số học giả tin rằng ngôn ngữ này có vẻ giống thứ tiếng ở Đông Dương nhiều hơn. Nhưng không lâu sau khi người châu Âu đầu tiên đặt chân tới Tambora, toàn bộ xã hội này đã bị thiêu hủy.

"Đợt phun trào núi lửa đã quét sạch ngôn ngữ đó. Thật là đáng tiếc. Nhưng chúng tôi đang cố gắng để những người này lên tiếng lại, bằng cách đào họ lên", Sigurdsson nói.

Những gì các nhà nghiên cứu tìm thấy chứng tỏ cư dân Tambora đến từ vùng Đông Dương hoặc có mối quan hệ giao thương với khu vực này. Chẳng hạn, đồ gốm được phát hiện rất giống với những sản phẩm ở Việt Nam.

John Miksic, nhà khảo cổ tại Đại học quốc gia Singapore, đã nhìn cuốn băng video cuộc khai quật và tin rằng nhóm của Sigurdsson đã tìm thấy đúng khu dân cư bị núi lửa phá huỷ. Nhưng ông nghi ngờ rằng người Tamora đến từ vùng Đông Dương hoặc nói ngôn ngữ của vùng này. Nếu đồ gốm của Việt Nam đến được hòn đảo này, đó có thể là do sự buôn bán giữa những thương gia.

Trong cuộc khai quật, nhóm của Sigurdsson cũng tìm thấy bộ xương hoá tro của một người phụ nữ có thể đang ở trong bếp của mình. Một chiếc dao rựa và một cái chai bị tan chảy nằm gần đó. Xác của một người khác được tìm thấy ngay bên ngoài, có thể là trước cửa ra vào.

M.T.

Theo VnExpress/AP
  • 3.481