Lợi thế của người phiền muộn

  •  
  • 1.801

Các nhà tâm lý học Anh đã chỉ ra những người có tâm trạng u sầu có khả năng nhớ khuôn mặt tốt hơn người hạnh phúc. Kết quả bất ngờ này giúp khoa học hiểu biết thêm về ảnh hưởng của tâm trạng đến não bộ, mở ra những hướng điều trị mới cho chứng phiền muộn.

Những nghiên cứu trước đây vốn chứng minh tâm trạng không vui không có lợi cho một loạt hoạt động như tư duy trừu tượng và ghi nhớ dãy từ. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng điều này là do người buồn bã suy nghĩ quá sâu và quá chi tiết về môi trường xung quanh của họ. Một số khoa học gia khác cho rằng đó là do người buồn quá quan tâm đến vấn đề riêng.

Để khám phá thêm về tác động của tâm lý sầu muộn đến quá trình suy nghĩ như thế nào, các nhà khoa học trường Đại học Anglia Ruskin ở Anh đã cho các tình nguyện viên là sinh viên thí nghiệm ghi nhớ khuôn mặt.

Người ta lấy tâm trạng cho tình nguyện viên bằng cách cho họ nghe nhạc phù hợp – ví dụ, bản Requiem của Mozart để có tâm trạng buồn, nhạc nền phim hành động Mỹ The A-Team để lấy tâm trạng vui và nhạc nền phim Miền tây The Hunt for Red October để tạo ra tâm trạng trung tính.

Trong thí nghiệm thứ nhất, 88 sinh viên được cho xem 32 khuôn mặt có vẻ mặt bình thường, sau đó, được phát phiếu điều tra và rồi được cho xem 64 khuôn mặt cùng yêu cầu nhận diện những khuôn mặt nào họ đã xem lần một.

Người phiền muộn có lợi thế ghi nhớ khuôn mặt tốt hơn những người vui vẻ hoặc có tâm trạng bình thường.
Người phiền muộn có lợi thế ghi nhớ khuôn mặt tốt hơn những người vui vẻ hoặc có tâm trạng bình thường.

Những tình nguyện viên có tâm trạng buồn cho kết quả chính xác nhất và những tình nguyện viên vui cho kết quả kém nhất. “Thật ngạc nhiên vì tâm trạng u sầu thường đi liền với yếu kém trong các thao tác nhận thức”, nghiên cứu viên Peter Hills, nhà tâm lý học nhận thức tại Đại học Anglia Ruskin ở Anh nhận xét trên Livescience.

Trong một thí nghiệm thứ hai, 60 sinh viên được xem một loạt các khuôn mặt có vẻ mặt vui, buồn và bình thường. Những sinh viên u sầu lại tỏ ra chính xác nhất, bất kể nét mặt họ được cho xem. Tuy nhiên, những tình nguyện viên có tâm trạng bình thường và vui vẻ tỏ ra chính xác hơn trong việc nhận diện các khuôn mặt vui vẻ.

Về điểm này, nhà tâm lý học Hills giải thích: “Mọi người thích nhìn những khuôn mặt vui vẻ hơn, một khuôn mặt mỉm cười thường hấp dẫn hơn một khuôn mặt u sầu. Có thể đơn giản vì chúng ta thích nhìn vào những khuôn mặt vui vẻ, vì thế chúng ta thường chú ý hơn”.

Giải thích tổng thể, suy nghĩ chi tiết có thể là lý do những người u sầu nhận diện khuôn mặt tốt hơn nhưng lại thực hiện một số nhiệm vụ khác kém hơn.

Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh người buồn bã nhớ từ và vật thể kém chính xác hơn những người khác. Sự thật họ nhớ khuôn mặt tốt hơn có lẽ là vì họ chú ý chi tiết hơn những người vui vẻ.

Hills nhấn mạnh thêm có khả năng những người buồn nhạy cảm với các vấn đề mang tính xã hội hơn.

“Mục đích chính của việc nghiên cứu tâm trạng này là nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tâm trạng con người và từ đó giúp tìm cách ngăn chặn và chữa trị chứng phiền muộn”, LiveScience dẫn lời ông Hills.

Hiểu được cơ chế người buồn bã phân tích khuôn mặt có thể sẽ giúp ta hiểu thêm tình trạng phiền muộn thay đổi cách nhìn nhận thế giới của con người như thế nào, từ đó tìm ra được những hướng điều trị mới cho những người mắc chứng phiền muộn.

Theo Vietnamnet
  • 1.801