Lực cắn của khủng long bạo chúa đáng sợ cỡ nào?

  •   2,710
  • 7.058

Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân tại sao khủng long bạo chúa có cơ hàm mạnh đến vậy. Sự khác biệt đến từ cấu trúc cơ và khớp hàm dưới của chúng.

Nếu từng có cơ hội đứng trước một bản hóa thạch hoàn chỉnh của khủng long bạo chúa Tyrannosaurus (T-rex), chắc chắn bạn không thể chối bỏ được thực tế rằng đây là kẻ săn mồi thống trị trong những ngày tháng huy hoàng của nó.

Những con T-rex ở độ tuổi trưởng thành có kích cỡ khổng lồ, với họp sọ rất to lớn và những chiếc răng nanh to như những quả chuối.

Đã có nhiều nghiên cứu khoa học nhằm tìm hiểu về lực cắn của một con T-rex trưởng thành. Dù vậy, vẫn còn tồn tại nhiều bí ẩn về việc làm sao những con T-rex đã xây dựng nên những cú cắn uy lực, đã giúp chúng trở thành loài thống trị vào cuối thời đại của khủng long.

Khủng long bạo chúa xuất hiện cách đây khoảng 68 triệu năm
Khủng long bạo chúa xuất hiện cách đây khoảng 68 triệu năm.

Mới đây, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân tại sao khủng long bạo chúa có cơ hàm mạnh đến vậy. Hóa ra, điều đó bắt nguồn từ một mẩu xương hình boomerang, nằm tại vị trí ở hàm dưới trong cấu trúc xương mặt của khủng long.

Được biết, không giống như động vật có vú, các loài bò sát và họ hàng gần của chúng có một khớp nằm ở xương hàm dưới của chúng, hay còn gọi là khớp hàm dưới (viết tắt là IMJ).

Dựa theo các mô phỏng được thực hiện bởi máy tính, các nhà khoa học cho biết với một chiếc xương kéo dài từ khớp IMJ, khủng long Tyrannosaurus có thể tạo ra lực cắn lớn hơn 6 tấn, tương đương với trọng lượng của một con voi đực trưởng thành ở châu Phi.

Với một lực cắn như vậy, khủng long bạo chúa có thể dễ dàng nghiền nát xương của con mồi, khiến nó gần như từ bỏ hoàn toàn ý định thoát thân.

Ngoài ra, một khớp IMJ linh hoạt có thể đóng vai trò như một "bộ giảm xóc", giúp cơ hàm của khủng long tránh thương tổn khi hạ gục, hoặc khi tấn công con mồi.

Khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex.
Khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex tấn công con mồi. (Ảnh: Scified).

Khả năng nghiền nát xương con mồi giúp khủng long bạo chúa có lợi thế hơn nhiều loài khủng long ăn thịt khác sống vào cùng thời điểm. Chúng cũng có khả năng ăn xác chết của những con khủng long lớn để lấy dinh dưỡng.

"Khi khủng long bạo chúa ăn con mồi, chẳng hạn như khủng long ba sừng, khả năng nghiền nát xương cho phép chúng không những lấy chất dinh dưỡng từ thịt mà còn từ tủy xương. So với các động vật ăn thịt khác, khủng long bạo chúa thu được nhiều năng lượng hơn trong bữa ăn", Gregory Erickson, thành viên của nhóm nghiên cứu, nói.

Nhóm nghiên cứu cho biết, mô hình của họ có thể được sử dụng trong tương lai để nghiên cứu cơ chế sinh học ăn uống của nhiều loài khủng long khác với mức độ chi tiết hơn.

Khủng long bạo chúa xuất hiện cách đây khoảng 68 triệu năm và là một trong những loài khủng long trên cạn cuối cùng. Chúng chỉ sống được trong một thời gian ngắn trước khi sự kiện Tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng xảy ra.

Một con khủng long bạo chúa trưởng thành sở hữu bộ hàm dài khoảng 1,2m có chứa 60 chiếc răng dài hơn 30,5cm. Chúng cũng sở hữu những thần kinh khứu giác to, cho phép ngửi thấy mùi thức ăn từ rất xa, khoảng cách 1 dặm, tương đương 1,6km.

Mặc dù là thú săn mồi đáng sợ, nhưng dựa vào những dữ liệu được thu thập từ các hóa thạch, các nhà khoa học đã nhận định rằng, khủng long bạo chúa chỉ có tuổi thọ khoảng 30 năm, khá ngắn so với các loài khủng long 4 chân khác, có thể sống tới 100 năm.

Thomas Holtz, nhà cổ sinh vật tại Đại học Maryland, người không phải thành viên nhóm nghiên cứu, nhận xét: “Khủng long bạo chúa không dễ để tồn tại. Để trở thành một con T-rex trưởng thành, trước tiên nó phải sống sót khi mới nở ra khỏi trứng và vượt qua giai đoạn thiếu niên. Có thể nói bản thân loài khủng long này (T-rex) đã là một sản phẩm của lịch sử tiến hóa lâu dài.”

Cập nhật: 16/11/2023 Tổng Hợp
  • 2,710
  • 7.058