Lưu ý khi nhà có trẻ

  •  
  • 320

Ngày tết là dịp đặc biệt để trẻ hưởng trọn niềm vui, được cả nhà quan tâm, chăm sóc. Nhưng bạn cũng cần biết cách để mắt đến trẻ, tránh trường hợp phải đón tết trong bệnh viện vì những lý do tưởng như chẳng vào đâu.

Trẻ bệnh vì... đói

(Ảnh: Vnmedia)

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết thực tế cho thấy tết lại là dịp bệnh viện thường phải tiếp nhận những ca bệnh bất thường của trẻ, chủ yếu là do tai nạn thương tích.

Trang trí nhà cửa, nhiều gia đình dùng hệ thống đèn nhấp nháy cho cửa ra vào, cho quất, cho đào, rồi nhiều việc cần dùng đến nước sôi..., nếu người lớn không để ý, chỉ một chút sơ suất cũng có thể khiến con trẻ bị phỏng hay điện giật.

Các vật cứng như xương, kim loại (hoa, dao bóc tách thực phẩm, các dụng cụ chế biến thức ăn) trẻ có thể nuốt vào gây hóc. Nguy hiểm hơn, những vật nhọn chui xuống ruột có thể đâm thủng ruột.

Trẻ ăn quá nhiều kẹo có thể làm tăng đường huyết bất thường dẫn đến đi tiểu nhiều và mất nước, và đây là căn nguyên gây nên những hiện tượng bệnh lý sau này.

Sự thay đổi nhịp sống ngày tết còn tạo nên những ca rất đặc biệt. Bệnh viện Nhi trung ương từng tiếp nhận trường hợp trẻ được gia đình đưa vào cứ khóc ngặt mà không biết nguyên do. Đến khi bác sĩ thăm khám mới hay rằng do nhà đông người, bận việc cơm nước, người này cứ nghĩ người kia đã cho trẻ ăn, thành ra trẻ khóc vì đói chứ chẳng đau đớn, bệnh tật gì!

Thận trọng với khánh bạc, vòng vàng

Việc giữ ấm cho trẻ khi ra đường, đến chơi nhà họ hàng cũng cần được hết sức chú ý. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên mặc cho trẻ quá nhiều quần áo có thể khiến trẻ khó chịu vì không thở được. Việc đóng bỉm (tã giấy) cũng phải hạn chế vì bỉm đóng lâu sẽ tạo ra ổ vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu, viêm da vùng kín do da trẻ rất mỏng và nhạy cảm.

Ngày tết, trẻ cũng thường được bố mẹ, ông bà cho đi lễ chùa. Khi mua khánh làm dây đeo cho trẻ cũng phải hết sức thận trọng vì đồ thủ công nhiều khi có những góc sắc nhọn có thể làm xây xát vùng cổ, làm viêm nhiễm, lên mụn và mưng mủ. Trẻ 6-7 tháng tuổi đang thời kỳ mọc răng sữa, ngứa lợi có khi còn cắn rồi nuốt mặt khánh của dây đeo. Những mẩu nhựa hay kim loại sắc nhọn này có thể cứa thủng ruột, cứa sâu cả vào dạ dày.

Đối với các đồ trang sức khác như vòng, lắc bạc hay vàng tây cũng nên chọn cho trẻ đồ trơn, không nên cầu kỳ bởi những hình dáng trang trí lạ mắt có góc sắc nhọn để làm đẹp cho trẻ. Nhất là mùa đông xuân, tiết trời còn lạnh, trẻ mặc nhiều quần áo, đồ trang sức càng dễ bị cọ xát. Hơn thế, những vết xước da trên cổ, tay, chân của trẻ cũng bị quần áo che kín nên nhiều phụ huynh không để ý những thương tích ẩn mình đối với con trẻ.

ĐỖ THỊ NGỌC HÀ

Theo Tuổi trẻ Online
  • 320