Mắt rực sáng trong vũ trụ

  •  
  • 2.052

Kính viễn vọng Spitzer vừa phát hiện một thiên hà xoắn có hình dạng giống con mắt cách trái đất khoảng 50 triệu năm ánh sáng.

Thiên hà này có kiểu xoắn giống dải Ngân hà với một hố đen khổng lồ ở giữa. Hố đen này có khối lượng gấp chừng 100 triệu lần mặt trời của chúng ta. Trong khi đó, hố đen ở giữa Ngân hà chỉ nặng hơn mặt trời vài triệu lần.

"Giới thiên văn quốc tế đang nỗ lực tìm hiểu số phận của những hố đen như thế. Một số giả thiết cho rằng chúng đã bước vào trạng thái "ngủ" giống như hố đen ở giữa Ngân hà", George Helou, phó giám đốc Trung tâm Khoa học Spitzer (thuộc NASA), phát biểu. 

Thiên hà xoắn có hình dạng giống con mắt khổng lồ cách trái đất chừng 50 triệu năm. (Ảnh: NASA)

Trong bức ảnh mà kính viễn vọng Spitzer chụp (bằng camera hồng ngoại), hố đen vô hình được bao quanh bởi một vòng tròn màu xanh dương và trắng. Đó là nơi các ngôi sao mới hình thành. Bên ngoài vòng đó là những đường xoắn màu đỏ.

"Vòng này là đối tượng đáng nghiên cứu vì nó tạo ra sao với tốc độ rất cao", Kartik Sheth, một nhà thiên văn của NASA, nhận xét.

Đốm sáng màu xanh dương nhạt phía bên trái vòng trông giống ngôi sao, nhưng thực ra đó là một thiên hà. Các chấm sáng khác trong ảnh có thể là ngôi sao gần hoặc thiên hà xa xôi.

Những cánh tay của thiên hà (đường xoắn màu đỏ) chính là phần vật chất bị nung nóng bởi nhiệt từ những ngôi sao mới sinh. Những ngôi sao cũ nằm rải rác trong thiên hà và phát ra ánh sáng màu xanh dương.

Minh Long - Vnexpress (Theo Daily Mail)
  • 2.052