Máy in chữ nổi của hai sinh viên Đà Nẵng vươn ra thế giới

  •   4,45
  • 2.578

Với việc xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 12, mô hình máy in chữ nổi của hai sinh viên ở Đà Nẵng sắp sửa "bay" sang Nhật Bản, mang theo hy vọng về một sáng chế đặc biệt dành cho người khiếm thị sẽ được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.

Sáng chế "bội thu" giải thưởng

Với mong muốn giúp người khiếm thị dễ dàng trong việc đọc, xử lý các thông tin, hình ảnh, hai bạn Nguyễn Thiện Nhân (cựu học sinh lớp 12A5, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) và Đặng Huỳnh Khánh Ly (cựu học sinh lớp 12/7, trường THPT Hòa Vang) đã cho ra đời mô hình "Braille Printer - máy in chữ nổi dành cho người khiếm thị". Sáng chế đã gặt hái "bội thu" giải thưởng danh giá tại các cuộc thi: giải nhì Hội thi Tin học trẻ (2015), giải nhất Sáng tạo khoa học kĩ thuật toàn quốc (2016), giải nhất Cuộc thi thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc diễn ra vào tháng 10/2016.

Nhân và Ly bên mô hình máy in chữ nổi
Nhân và Ly bên mô hình máy in chữ nổi - (Ảnh: NVCC).

Nhân chia sẻ: "Để có được thành quả như bây giờ, tụi em đã trải qua không ít khó khăn, có những lúc tưởng chừng bỏ cuộc. Nhưng vì niềm đam mê sáng tạo cộng thêm mong muốn sản phẩm có thể hỗ trợ tiện ích một phần nào đó cho người khiếm thị, chúng em đã không ngừng nỗ lực và quyết tâm thực hiện đến cùng. Và sau 7 tháng mày mò nghiên cứu, cùng sự giúp sức của thầy giáo hướng dẫn, cả hai đã cho trình làng sáng chế để gửi đi tham dự các cuộc thi thuộc lĩnh vực khoa học kĩ thuật".

Khác với chiếc máy in thông thường sử dụng đầu phun mực, máy in chữ nổi của Nhân và Ly sử dụng đầu kim dưới tác động của nhiệt độ để tạo chữ nổi trên bề mặt giấy cứng. Bộ vỏ được làm bằng nhựa, linh kiện sử dụng từ các vật liệu tái chế, nên trọng lượng nhẹ (khoảng 1kg). Theo hai bạn, đây cũng là những tính năng vượt trội so với các loại máy in chữ nổi trên thị trường.

Nhân và Ly nhận giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 12
Nhân và Ly nhận giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 - (Ảnh: NVCC).

Chinh phục sân chơi quốc tế

Được biết, "đứa con" chung của cả hai sắp sửa tham gia triển lãm quốc tế tại Nhật Bản (tháng 5-/2017). Đến với triển lãm trong thời gian tới, mô hình sẽ được cải tiến hơn. Thay vì nhận dữ liệu bằng usb hay kết nối với máy tính, máy in chữ nổi sẽ có thêm bàn phím giúp người khiếm thị dễ dàng hơn trong việc in ấn. Ngoài ra, trọng lượng của mô hình cũng sẽ nhỏ gọn hơn so với hiện tại, có thể mang theo bên mình.

Máy in chữ nổi hoàn thành và sắp sửa sang Nhật dự triển lãm
Máy in chữ nổi hoàn thành và sắp sửa sang Nhật dự triển lãm - (Ảnh: NVCC).

Sau lần đạt giải nhất Cuộc thi thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc 2016, vì bận bịu việc học ở trường nên sáng chế chưa được quan tâm đúng mức. Sắp tới, khi cuộc triển lãm kết thúc, Nhân và ly mong muốn sản phẩm sẽ được ứng dụng vào thực tiễn, có thể nhân rộng, từ đó giúp được nhiều người khiếm thị hơn.

Khánh Ly cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng em tham dự cuộc triển lãm mang tầm quốc tế, nên lần cải tiến sắp tới sẽ là lần cải tiến cuối cùng, hoàn thiện nhất để sản phẩm đến tay những người khiếm thị, giúp đỡ họ một phần nào trong cuộc sống".

Không dừng lại ở đó, vào tháng 3/2017, Nhân và Ly cũng sẽ tham gia cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp sinh viên toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội với bộ giải pháp lập trình phần cứng dành cho trẻ em mang tên Ekid.

Nói về sáng chế của 2 học trò mà mình trực tiếp hướng dẫn, thầy Đỗ Văn Nhỏ (giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) cho hay: "Quá trình lao động, sáng tạo không biết mệt mỏi của hai em rốt cuộc cũng được đền đáp xứng đáng. Hy vọng khi mang sang Nhật triển lãm, mô hình sẽ gây được sự chú ý. Từ đó nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp để sáng chế này được đầu tư đúng mức và sớm tung sản phẩm chính thức ra thị trường".

Cập nhật: 16/01/2017 Theo khampha
  • 4,45
  • 2.578