Mitsubishi nghiên cứu làm ăng ten từ nước biển

  •   4,33
  • 917

Nghe có vẻ viển vông nhưng trong một thử nghiệm của mình, hãng Mitsubishi đã làm được điều đó. Nhưng liệu ai sẽ cần một chiếc kim loại làm từ nước biển chứ? Trên thực tế thì nghiên cứu này lại rất có ý nghĩa nếu thành công.

Ai cần đến kim loại nữa khi bao quanh bạn hoàn toàn là nước? Mitsubishi gần đây đã thông báo một phương pháp mới, khá kỳ quặc, để truyền và nhận dữ liệu. Công ty của Nhật này tuyên bố làm ra ăng ten đầu tiên được làm từ nước biển.

Nước biển, vốn chứa nhiều muối, nên có thể dẫn điện. Trên thực tế, khả năng dẫn điện của nước biển mạnh gấp 1.000 lần loại nước bạn uống hàng ngày. Về lý thuyết, ít nhất điều đó có nghĩa là, có thể sử dụng nước biển như một chiếc ăng ten thô sơ. Về cơ bản, ăng ten chỉ là những mảnh kim loại dẫn điện được tạo hình và cắt gọt để có thiết kế phù hợp với việc truyền và nhận sóng radio.

Mô hình mẫu cho thử nghiệm của Mitsubishi.
Mô hình mẫu cho thử nghiệm của Mitsubishi.

Tuy nhiên đó là lý thuyết. Trên thực tế, tính dẫn điện của nước biển kém hơn rất rất nhiều so với phần lớn kim loại – chỉ bằng một phần một triệu. Vì vậy, khi hãng Mitsubishi quyết định thử nghiệm một ăng ten bằng nước biển – hay như cách họ gọi SeaAerial – họ cần bắt tay vào tính toán các thông số lý thuyết trước. Để có thể tính toán được đường kính tối ưu cần thiết của tia nước, họ đã thử nhiều lần khác nhau.

Trên thực tế, thiết bị này sử dụng một máy bơm và một vòi phun với kích thước tối ưu, để tạo ra một tia nước biển đủ mạnh nhắm vào không trung. Kết quả sẽ tạo ra một ăng ten với hiệu suất khoảng 70%, mà họ tuyên bố là đủ để truyền và nhận tín hiệu. Trên mô hình thu nhỏ của mình, công ty cho thấy ăng ten SeaAerial có thể bắt được tín hiệu truyền hình một cách ổn định.

Hình vẽ mô tả nguyên lý của loại ăng ten nước biển này.
Hình vẽ mô tả nguyên lý của loại ăng ten nước biển này.

Nhưng công ty cũng có những hy vọng lớn hơn cho công nghệ này. Họ chỉ ra rằng những tín hiệu ở tần số rất thấp này – loại tín hiệu được sử dụng để các tầu chiến và tầu ngầm truyền tin cho nhau ở khoảng cách rất lớn trên biển – đòi hỏi những chiếc ăng ten vô cùng lớn tương ứng, với chiều cao lên đến hàng chục mét. Trong trường hợp rất khó hoặc không thể có những thiết bị như vậy, Mitsubishi cho rằng một tia nước biển nhỏ có thể sử dụng thay thế. Chúng ta sẽ phải đợi để xem liệu đó có phải là một giấc mơ viển vông.

Cập nhật: 01/02/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,33
  • 917