Mộ cổ chùa Tĩnh Lâu: Sẽ giữ nguyên trạng?

  •  
  • 426

Chiều 24/4, cuộc gặp mặt giữa đại diện chính quyền địa phương, nhà chùa và các nhà khoa học, khảo cổ tại hiện trường ngôi mộ cổ trong khuôn viên chùa Tĩnh Lâu khiến nhiều người nghĩ đến việc ngôi mộ sớm hay muộn sẽ được khai quật. Song trên thực tế, quan điểm của các bên liên quan vẫn chưa rõ ràng và không mấy chủ động: người thì nói nên mở mộ, người thì nói nên giữ nguyên trạng.

Có mặt tại hiện trường là một số chuyên gia am hiểu sâu sắc lĩnh vực này: PGS.TS Nguyễn Lân Cường, TS.Hà Văn Cẩn (Viện Khảo cổ học Việt Nam), TS. Phạm Quốc Quân (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), đại diện bảo tàng Hà Nội, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội...

Tuy là đơn vị chủ trì buổi họp song Chủ tịch UBND quận Tây Hồ lại vắng mặt ngoài dự kiến. Điều này đã khiến các bên chỉ biết nghe ý kiến của nhau và ghi nhận chứ chưa thể đưa ra quyết định gì. Cán bộ đại diện ủy ban quận nói: "họp mặt là để xin ý kiến các nhà khoa học. Còn các nhà khoa học thì bảo: phải chờ ý kiến của quận!"

Trên thực tế, cuộc khai quật chỉ được tiến hành nếu trước hết có đề nghị của chính quyền địa phương. Trong trường hợp này, nếu quận Tây Hồ quyết định khai quật thì họ sẽ phải có đề nghị, từ đó phải được sự nhất trí của các cơ quan hữu quan; phía khảo cổ chỉ tiến hành việc khai quật nếu họ được yêu cầu và có giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin. TS. Nguyễn Lân Cường nói: "Nếu khai quật, quận Tây Hồ chắc sẽ là đơn vị cấp kinh phí. Nhưng cuộc họp chiều nay, ông Chủ tịch quận không đến nên tôi không hiểu thực chất quận có muốn khai quật hay không".

Được biết, kinh phí cho một cuộc khai quật cũng không phải là nhỏ. Khai quật trực tiếp chỉ mất vài ngày, nhưng sau đó các chuyên gia phải xử lý, nghiên cứu, lập hồ sơ cho các di vật hay di thể tìm được. Công việc này mất hàng vài tháng đến cả năm trời mới có kết quả.

Về phía mình, nhà chùa không tán thành việc khai quật ngôi mộ. Sư thầy trụ trì Thích Đàm Chung nói: “Nếu chỉ để biết niên đại ngôi mộ thì có thể xác định qua lớp vôi, vữa hoặc dùng các phương pháp khác để tìm hiểu danh tính người được táng, không nhất thiết phải khai quật”.

TS. Nguyễn Lân Cường, người đã tiến hành khai quật nhiều ngôi mộ cổ, trong đó có một số mộ xác ướp, cho rằng: "Nếu địa phương cần giải phóng mặt bằng khu đất đó thì chúng tôi sẵn sàng giúp khai quật. Song trên thực tế, có nhiều lí do để giữ nguyên hiện trạng ngôi mộ".

Sự kiện này làm người ta nhớ tới vụ khai quật ngôi mộ cổ trên cánh đồng đào Nhật Tân (khu đất thuộc dự án đô thị Nam Thăng Long) năm 2005. Khi đó, ngôi mộ nằm trên mảnh đất đang được xây dựng nên buộc phải di dời. Lý do quan trọng hơn là kết cấu trong quan ngoài quách đã bị phá vỡ, xác ướp đã lộ thiên hàng chục ngày trời và việc khai quật là “chữa cháy”, không thể tránh khỏi. Chủ nhân ngôi mộ xác ướp ở Nhật Tân - người đàn ông mấy trăm năm tuổi - sau chục ngày chịu nắng, mưa, vẫn còn nguyên vẹn và cuối cùng được an táng lại tại nghĩa trang gần đó.

Còn ngôi mộ ở Tĩnh Lâu ngày nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn kết cấu trong quan ngoài quách, chỉ bị phá hủy một chút vôi vữa bên trên, không đáng kể. Sư thầy Thích Đàm Chung mong muốn người dưới mộ được tiếp tục yên nghỉ tại nơi họ đã nằm đó hàng (nhiều) thế kỷ.

TS. Phạm Quốc Quân, giám đốc bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cũng cho rằng về nguyên tắc di sản, cách bảo quản di vật tốt nhất là để nguyên trạng dưới đất.

“Hiện tại, khoảnh đất nơi có ngôi mộ chỉ là nơi được san lấp để chuẩn bị tập kết vật liệu phục vụ việc xây dựng, sửa chữa ngôi chùa, không nhất thiết phải di dời mộ. Trước đây chúng tôi vẫn dự kiến dùng mảnh đất đó để mở rộng con ngõ đi vào chùa. Song nếu giữ lại mộ, chùa sẽ xây tường bao, đặt bia cho mộ, coi như một bộ phận của khuôn viên và con đường sẽ đi vòng một chút để tránh ngôi mộ” – sư thầy Thích Đàm Chung nói.

Chưa biết khi nào số phận ngôi mộ cổ sẽ được quyết định.

Hà Nội: Phát hiện mộ cổ 300 năm tuổi

D.H

Theo VTC News
  • 426