Mối hiểm hoạ băng tan từ dải băng tây Nam Cực có thể ít hơn dự tính

  •  
  • 1.461

Một nghiên cứu mới đây cho biết, trong khi toàn bộ hay một phần dải băng phía tây Nam Cực tan chảy do hậu quả của việc trái đất nóng lên sẽ không làm tăng mực nước biển lên đến mức như một vài dự đoán thì mực nước biển tại các vùng ven biển của Mỹ lại tăng cao hơn 25% so với mức nước biển trung bình của thế giới, đe doạ trực tiếp đến các thành phố như New York, Washington, D.C., và San Francisco

Về khía cạnh gia tăng mực nước biển, từ lâu người ta đã ví Nam Cực như người khổng lồ đang say ngủ. Theo tính toán, lượng băng tại Nam Cực nhiều gấp 9 lần tại đảo Greenland. Tảng băng phía tây Nam Cực với tên gọi là WAIS đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà khoa học bới sự không ổn định vốn có của nó. Sự không ổn định này là do phần lớn khối băng nằm dưới mực nước biển.

Jonathan Bamber, tác giả chính của công trình nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Khoa học (Science) ngày 15 tháng 5 vừa qua về dải băng WAIS cho biết: “ Hàng loạt các công trình nghiên cứu về khả năng sụp đổ và tan chảy của dải băng WAIS đều ám chỉ một thảm họa nguy hiểm đối với trái đất. Tất cả những nghiên cứu đó đều ước tính rằng nếu dải băng đó tan chảy thì mực nước biển sẽ tăng lên từ 5 đến 6 mét. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi thì những con số tính toán đó quá cao ngay cả trong khoảng thời gian một nghìn năm.”

Bamber, giáo sư đại học Bristol tại Anh hiện đang nghiên cứu tại đại học Colorado thuộc Viện hợp tác nghiên cứu khoa học môi trường Boulder (Boulder's Cooperative Institute for Research in Environmental Sciences) viết tắt là CIRES và các đồng nghiệp của ông tính toán rằng, nếu dải băng WAIS sụp đổ và tan chảy sẽ làm tăng mực nước biển lên 3.3m hay 11 feet.

Các tác giả nghiên cứu đã sử dụng các mô hình dựa trên lý thuyết kết băng để nghiên cứu xem dải băng khổng lồ này sẽ như thế nào nếu những khối băng trôi va chạm vào nó và vỡ tự do. Hiện nay, những dải băng rộng lớn đang ngăn khối băng WAIS khỏi trôi xuống biển Weddell và Ross, hạn chế tổn thất đối với đại dương.

Theo lý thuyết, nếu các khối băng trôi bị di chuyển đi, nhiều khu vực tương đối lớn của WAIS về cơ bản sẽ không còn bị cản trở như trước đây. Các dải băng của WAIS sẽ trôi ra biển và bắt đầu một quá trình xâm lấn nhanh chóng qua các dải phân cách. Dải phân cách chính là nơi mép của tảng băng chạm vảo biển và bắt đầu trôi nổi.

Hầu hết các khu vực không ổn định của dải băng khổng lồ WAIS nằm tại những chỗ trũng sâu dưới mực nước biển. Nếu băng ở những khu vực trũng này không còn bị giữ bởi dải băng nổi, nó nhanh chóng nổi lên và hình thành dải băng nổi mới, tách xa ra, đồng thời gây ra nhiều sự sụp đổ, đứt gãy khác.

Núi băng trôi ở vịnh Paradise phía tây Nam Cực (Ảnh: iStockphoto/Micheal O Fiachra)

Các tác giả nghiên cứu từng giả định rằng chỉ có băng ở mặt dốc và phía trong của những khu vực trũng mới có khả năng sụp đổ. Họ cũng giả định rằng băng ở trên đá ngầm có hướng dốc lên trên và trên đá ngầm nằm trên mực nước biển ít có khả năng bị đổ.

Giáo sư Bamber cho biết: “ Không giống như phần lớn các dải băng khác trên thế giới, dải băng tây Nam Cực và Greenland – WAIS là trường hợp duy nhất có cấu trúc không ổn định như vậy”.

Tuy nhiên, dải băng WAIS sẽ sụp đổ và tan chảy nhanh như thế nào thì hoàn toàn chưa có câu trả lời. Nếu như dải băng đó tan chảy trong vòng 500 năm như gợi ý của các cuộc nghiên cứu trước đó thì nó sẽ làm mực nươc biển tăng thêm 6.5 mét hay ¼ inch một năm. Con số này gấp đôi mực nước biển tăng lên hàng năm do tất cả các yếu tố cộng lại.

Giáo sư Bamber cho biết thêm: “ Một điều thú vị là mô hình tăng mực nước biển hàng năm không phụ thuộc vào việc dải băng WAIS tan chảy nhanh và nhiều như thế nào. Thậm chí nếu dải băng WAIS góp phần làm tăng mực nước biển thêm 1 mét trong vòng nhiều năm thì mực nước biển dọc theo bờ biển Bắc Mỹ sẽ vẫn chỉ tăng nhiều hơn mức trung bình của thế giới là 25%”.

Theo nghiên cứu, mực nước biển thay đổi theo khu vực phần lớn sẽ chịu tác động của việc phân bố các khối băng từ lục địa Nam Cực tới các đại dương. Với ít sự tập trung các dải băng ở Cực Nam, trọng lực của trái đất sẽ yếu đi ở bán cầu Nam và mạnh hơn ở bán cầu Bắc. Điều này sẽ khiến nước chảy về các đại dương ở phía Bắc.

Sự phân bố lại này cũng sẽ ảnh hưởng đến xoay vòng của trái đất, điều mà sau đó sẽ khiến nước dâng lên dọc lục địa Bắc Mỹ và trong Ấn Độ Dương.

Các tác giả đồng nghiên cứu bao gồm Riccardo Riva và Bert Vermeersen đến từ đại học Công nghệ Delft của Hà Lan và Anne LeBroq đến từ đại học Durham của Anh. Nghiên cứu được tiến hành với sự giúp đỡ của Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên.

Tài liệu tham khảo:
Jonathan L. Bamber, Riccardo E. M. Riva, Bert L. A. Vermeersen and Anne M. LeBroq. Reassessment of the Potential Sea-Level Rise from a Collapse of the West Antarctic Ice Sheet. Science, 2009; 324 (5929): 901 DOI: 10.1126/science.1169335

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.461