Môi trường mới & thách thức

  •  
  • 112

Vào WTO, Việt Nam dấn thêm một bước nữa trên con đường hội nhập thế giới.

Chúng ta cần những kỹ năng mới, cách tư duy mới, quy trình và thói quen kinh doanh mới đi kèm với hạ tầng CNTT chứ không phải bản thân hạ tầng CNTT. Những người chiến thắng trong thế giới ngày nay là những người học được thói quen, quy trình và kỹ năng mới nhanh nhất. Hãy từ bỏ lối tư duy cũ khi nó không còn phù hợp, nắm bắt sự biến chuyển của thế giới, sự biến chuyển của công nghệ và tìm cách thích nghi thật nhanh hơn là chống lại sự biến chuyển đó.

Môi trường mới

Từ nay, chúng ta và 149 nước còn lại trong WTO sẽ sử dụng cùng một bộ quy tắc ứng xử và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, tuân theo các quy định chung về thuế suất, hạn ngạch hàng hoá, dỡ bỏ dần sự khác biệt về môi trường kinh tế... WTO biến tất cả các nước tham gia thành một thị trường chung. Thế nhưng, WTO chỉ là một phần trong quá trình toàn cầu hóa. Cùng với WTO, sự thay đổi của các yếu tố chính trị trong quản lý kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và truyền thông (CNTT-TT) và nhiều yếu tố khác đã khiến thế giới của ngày hôm nay khác thế giới hôm qua rất xa.

Trong cuốn "The world is flat" (Thế giới phẳng), tác giả Thomas L. Friedman miêu tả hệ thống trong đó các cá nhân và nhóm nhỏ được tạo điều kiện, được trao quyền và vươn ra toàn cầu một cách dễ dàng và suôn sẻ là hệ thống thế giới phẳng... Theo Friedman, hệ thống thế giới phẳng là sản phẩm của sự hội tụ giữa máy tính cá nhân (cho phép các cá nhân trở thành tác giả của các sản phẩm số) với cáp quang (cho phép các cá nhân tiếp cận với các sản phẩm số trên thế giới gần như miễn phí) và phần mềm (PM) xử lý công việc (cho phép các cá nhân trên khắp thế giới cộng tác trên cùng cơ sở dữ liệu số, bất kể từ nơi đâu với khoảng cách như thế nào). Cùng với các cá nhân, các doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ cũng được trao thêm quyền lực mới. Trong 10 nhân tố làm phẳng thế giới mà Friedman nhắc tới, các nhân tố thuộc lĩnh vực CNTT-TT chiếm phần lớn và có ảnh hưởng rõ rệt đến các nhân tố còn lại.

Vai trò của các DN CNTT là giúp cho các DN ngoài lĩnh vực CNTT hội nhập nhanh hơn. Vấn đề này lớn hơn việc hội nhập của DN CNTT. Hiện nay các DN Việt Nam thiếu khả năng cách tân (innovation), mức độ sẵn sàng tiếp thu công nghệ không cao.

Những điều này có thể được cải thiện bằng ứng dụng CNTT. Nếu nâng cao được hiệu quả ứng dụng CNTT thì sẽ nâng được sức cạnh tranh. Hiện nay, ứng dụng CNTT của chúng ta đang ở vạch xuất phát. Chi phí cho CNTT ở Úc hiện nay là 8%, một số nước châu Âu là 10%, trong khi ở Việt Nam là 2%.

Ông Phan Thanh Sơn, giám đốc kỹ thuật - công nghệ, công ty Cisco System Việt Nam.

Người ta vẫn tiếp tục tranh cãi về quan điểm của Friedman, nhưng rõ ràng ứng dụng CNTT-TT đã thay đổi diện mạo thế giới, với một tốc độ rất nhanh. CNTT-TT đang vẽ tấm bản đồ thế giới theo cách riêng, trong đó đường biên và khoảng cách giữa các quốc gia trở nên mờ nhạt, thậm chí biến mất. Một người Việt Nam giờ đây có thể làm việc cho công ty ở Mỹ trong thời gian thực mà không cần sang Mỹ. Các quy trình công việc được tiêu chuẩn hóa, số hóa và chuyển đi thực hiện ở bất cứ nơi nào có nhân lực và giá cả phù hợp. Điều đó cho phép các công ty lớn tìm kiếm và tận dụng tài năng từ bất cứ xó xỉnh nào trên thế giới, miễn là hiệu quả cao hơn với chi phí rẻ hơn. Hệ quả là bất cứ ai, từ bất cứ đâu, cũng có thể tham gia khai thác thị trường thế giới, tạo ra sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Trước đây, chúng ta chỉ lo cạnh tranh với nhau, thì nay có thể một người, một DN nào đó ở Thái Lan, Indonesia, Campuchia, hay thậm chí một nước Mỹ La Tinh xa xôi như Mexico... đang ra sức cạnh tranh để có được công việc của chúng ta, để đánh bật sản phẩm hay dịch vụ của chúng ta, khiến một người hay DN nào đó của ta bị thất nghiệp, phá sản. Đó là thách thức.

Ngược lại, cơ hội cũng xuất hiện rất nhiều. Dù là nông dân hay DN thì vẫn có thể tìm ra cơ hội của mình trên toàn cầu. Với những chiếc máy tính cá nhân, đường truyền Internet và các PM xử lý công việc, chúng ta có thể nâng cao sức cạnh tranh, tăng hiệu quả công việc, mở rộng tầm hoạt động ra khắp thế giới, tận dụng phương thức cộng tác phi tập trung, khai thác nhiều bộ óc mà bình thường không thể tiếp cận. Những công cụ tìm kiếm trên Internet giúp ta nhanh chóng tiếp cận các nguồn thông tin cũng như đưa thông tin ra toàn thế giới. CNTT-TT cũng giúp các DN tranh thủ khả năng tư duy tốt nhất của toàn bộ máy, giải phóng năng lượng và trí tuệ của nhân viên...

Chúng ta vừa "bước từ quốc lộ ra xa lộ toàn cầu" và đang cần phương tiện tranh đua. CNTT-TT chính là một trong những phương tiện đầy sức mạnh. Chúng ta có điểm bất lợi là xuất phát sau, nhưng lại có lợi thế ứng dụng ngay những công nghệ mới nhất, những giải pháp mới nhất vào công việc mà không phải lo chuyển đổi từ những "di sản" của một thế hệ công nghệ đã áp dụng trước đó.

Tuy nhiên, ứng dụng CNTT-TT như thế nào là một chuyện đáng nói. Những con số thống kê của dự án "Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam" (VNCI) và Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm qua chưa cho thấy sự khả quan trong nhận thức của khối các DN nhỏ và vừa về CNTT-TT và phương pháp ứng dụng CNTT-TT.

Đừng để cơ hội vuột đi

Tại Tuần Lễ Tin Học Việt Nam lần thứ 15 (26 - 30/10/2006), nhiều doanh nghiệp CNTT - TT và một số nhà quản lý đã cùng nhau nhận diện những cơ hội và thách thức khi vào WTO.

Nhận thức về cơ hội khá thống nhất. Ai cũng thấy khi Việt Nam (VN) tuân thủ luật chơi của thế giới thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào nhiều hơn, chuyển giao công nghệ nhiều hơn, các doanh nghiệp (DN) trong nước được mở rộng thị trường, học hỏi quy trình làm việc và kiến thức của nước ngoài; sức ép hội nhập khiến chúng ta phải "chạy" nhanh hơn và các rào cản được tháo gỡ; thuế nhập khẩu giảm sẽ hạn chế nhập lậu, người tiêu dùng được lợi, v.v...

Ông Bùi Quốc Việt, giám đốc trung tâm Thông Tin Bưu Điện thuộc tập đoàn BCVT VN (VNPT) cho biết, hiện nay, VNPT chiếm đến 80% thị phần trong nước, hạ tầng lớn và vươn đến nhiều ngóc ngách, thương hiệu đã được xây dựng và tồn tại trong nhiều năm, nên khi hội nhập vẫn có nhiều cơ hội.

Ông Thân Trọng Phúc, tổng giám đốc Intel Việt Nam: Các DN VN chưa tập trung cho sáng tạo công nghệ. Nếu tập trung vào việc tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới thì sẽ thu hút được nhiều đầu tư mạo hiểm.

Chính Phủ Việt Nam cần quan tâm thúc đẩy sáng tạo, biến trí tuệ thành sản phẩm. Sáng tạo nhiều thì tiền sẽ vào nhiều và tiền vào nhiều thì thúc đẩy sáng tạo nhiều.

Tuy nhiên, "do là một DN lớn nên sức ép chuyển đổi cũng rất lớn" - ông Việt lo lắng. Do hệ quả của cơ chế kinh tế cũ, VNPT hiện có tới 9 vạn lao động. Chuyển cả một bộ máy cồng kềnh như thế sang môi trường mới rất khó. Theo ông Việt, VNPT hiện còn bị ràng buộc rất nhiều bởi cơ quan quản lý nhà nước và chính sách pháp luật. Do đó, mô hình tập đoàn đã ra đời nhưng đến nay điều lệ hoạt động vẫn xây dựng chưa xong. Năng suất lao động thấp dẫn đến năng lực cạnh tranh không cao. Cổ phần hóa cũng gặp khó khăn trong việc xác định tài sản vô hình. Hiện nay, VNPT đã cổ phần hoá 39 đơn vị, nhưng chỉ là những đơn vị nhỏ. Thách thức lớn nhất - ông Việt nhận định - là tính liên kết, hợp tác của DN thấp, đặc biệt trong môi trường pháp luật và thực thi pháp luật yếu.

Ông Nguyễn Thành Phúc, phó viện trưởng viện Chiến Lược BCVT và CNTT cho biết, theo quy định của WTO, VN phải hình thành cơ quan quản lý viễn thông độc lập, không gắn về quyền lợi với bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản nào. Do đó, thách thức đối với ngành này là việc tách chức năng quản lý nhà nước (QLNN) với chức năng sản xuất, khai thác dịch vụ kinh doanh, bảo đảm chức năng thực thi pháp luật tương đối độc lập với chức năng lập chính sách. Ngoài ra, ông Phúc cho rằng năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam yếu, thiếu nguồn nhân lực trình độ quốc tế, phải bảo đảm bản quyền phần mềm... là những vấn đề đáng lo.

Ông Nguyễn Trung Chính, tổng giám đốc CMC Group cũng tỏ ra lo lắng: DN CNTT VN "mong manh trước hội nhập" vì thiếu tư duy chiến lược, quy mô nhỏ bé, cạnh tranh về tài chính và nhân lực yếu, đặc biệt là nhân lực về công nghệ và kỹ thuật. Thị trường CNTT VN bó hẹp vì thiếu đầu ra. Ngay trong thị trường nội địa cũng còn có sự phân biệt đối xử giữa các DN. Năng suất lao động kém. Những DN lớn như VNPT có tới gần 100.000 người. Đấy là gánh nặng chứ không phải lợi thế. Nếu hội nhập, một công ty phần mềm nước ngoài chuyển sản xuất sang VN (offshoring) thì DN VN mạnh như FPT cũng ớn, vì nguồn nhân lực có thể bị hút hết. Các công ty nước ngoài có quy trình chuẩn, có chất lượng cao, có đầu ra, nên sức cạnh tranh rất lớn. 

Ông Vũ Đức Đam, thứ trưởng bộ BCVT: Có người ví CNTT VN như cậu bé mới biết bơi, bây giờ phải nhảy xuống biển thi bơi với những người lớn.Tôi cho rằng so sánh như thế chưa hoàn toàn đúng.

Tôi nghĩ CNTT VN hiện nay đã là một chàng thanh niên, đã tập bơi ở AFTA, ASEAN, cho nên khi ra biển cũng không quá ngỡ ngàng.

Dường như các DN đang lo nhiều hơn mừng. Ông Vũ Đức Đam, thứ trưởng bộ BCVT trấn an: "Thật ra những thách thức không phải chỉ xuất hiện khi chúng ta gia nhập WTO. Vào WTO chỉ là dịp chúng ta nhìn nhận kỹ hơn về những thách thức đó”. Theo ông Đam, thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cho ngành CNTT là rất lớn. Vào WTO, tất cả các DN, ngành nghề đều phát triển (hoặc buộc phải phát triển), do đó thúc đẩy CNTT phát triển. Tất cả hệ thống hành chính phải minh bạch hoá, cũng là thị trường lớn cho CNTT. Bao nhiêu vướng mắc chưa được dỡ bỏ trước đây, đến nay có áp lực để tháo gỡ. Suy cho cùng, đó là những cơ hội. Muốn tận dụng được những cơ hội ấy, chúng ta buộc phải cố gắng hơn nhiều. Một trong những việc cần làm là phải sáng tạo công nghệ. Chúng ta có nguồn tiềm năng rất lớn, nhưng tiềm lực quốc gia về CNTT-TT chưa được đánh giá cao. Nếu chúng ta chỉ là thị trường tiêu thụ sẽ không thể cạnh tranh khi gia nhập... "Theo tôi, thách thức lớn nhất là khai thác các cơ hội bây giờ mới có. Nếu không khai thác được, các cơ hội đó sẽ trôi qua mất" – ông Đam kết luận.

Theo PC World VN
  • 112