Một con người có thể "ngu ngốc" đến mức nào?

  •   2,34
  • 7.312

Và bạn có cho rằng "ngu ngốc" đồng nghĩa với "kém thông minh"?

Các mức độ "ngu ngốc" của con người

Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein đã từng phát biểu: "Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I'm not sure about the universe". (Tạm dịch: Có hai thứ là không có giới hạn, đó là vũ trụ và sự ngu ngốc của con người; và tôi không chắc lắm về cái vế đầu tiên).

Liệu sự ngu ngốc của con người thực sự là vô hạn như lời Einstein đã nói? Và bằng cách nào chúng ta có thể đánh giá được cái... sự "ngốc ngếch" này?

Bản chất của sự "ngu ngốc"...

Những nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy rằng, con người đánh giá một hành động có là ngu ngốc hay không dựa trên 3 tiêu chí: mức độ liều lĩnh và rủi ro, mức độ "mất trí" - thiếu thực tế, và mức độ bốc đồng của hành động.

Tuy nhiên theo tiến sĩ Balazs Aczel thuộc ĐH Cambridge (Anh), không có bộ môn nào nghiên cứu về mức độ "ngu ngốc" của con người. Theo ông, một hành động được coi là ngu ngốc hay không đến từ hiệu ứng dây chuyền.

Cụ thể, Aczel cho rằng nếu có một người gọi hành động này là "ngu ngốc" và nhận được sự ủng hộ của nhiều người xung quanh và đó chính là cơ sở hình thành một hành vi được coi là "ngu ngốc".

Có các "kiểu" ngu ngốc như thế nào?

Để điều tra về chủ đề này, nhóm nghiên cứu của Aczel đã đi khảo sát về những điều được xem là "ngu ngốc" trong cuộc sống hàng ngày.

Tiếp theo, họ chọn ra 154 ứng viên và yêu cầu họ đánh giá độ ngu ngốc theo ý kiến của mình, với những lý do và căn cứ cụ thể.

Kết quả cho thấy lý do để đánh giá sự ngu ngốc rất đa dạng, nhưng được chia làm 3 loại chính.

Loại thứ nhất là loại "thừa tự tin": những người ở loại này luôn nhiệt tình lấn vào những sự kiện có rủi ro cao, nhưng lại không có những kỹ năng cần thiết để vượt qua.

Loại hai là những người "kém kiềm chế": họ biết mình không nên làm việc ngốc nghếch nhưng không đủ mạnh mẽ để kiềm chế bản thân.

Và cuối cùng - cũng là loại "nặng nhất" - được gọi là "mất trí": những người ở loại này sẽ bất chấp mọi rủi ro để đâm đầu vào rắc rối.

"Ngu ngốc" có đồng nghĩa với kém thông minh?

Phải chăng người kém thông minh thì sẽ làm nhiều chuyện có phần ngớ ngẩn, rồ dại hơn? Không hề. Aczel cho biết, sự ngu ngốc không có liên hệ gì với sự thông minh - tức một người có chỉ số IQ cực cao cỡ... Einstein cũng sẽ có nhiều lúc làm những điều ngớ ngẩn.

Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc một hành vi là ngu ngốc còn phụ thuộc vào sự mong đợi của người khác. Cụ thể, khi quá mong đợi một người làm điều gì đó và họ làm ngược lại, bạn sẽ phản ứng ra sao?

Cho nên nhiều khi bị chửi là... "ngơ" thì cũng chưa chắc là mình... "ngơ" thật đâu nhé!

Nghiên cứu về sự "ngu ngốc" có ý nghĩa gì?

Trên thực tế, Aczel cho rằng việc hiểu biết thế nào là một hành vi ngu ngốc có thể cải thiện rất tốt chất lượng của xã hội.

Việc này có thể giúp con người chủ động tránh xa những hành vi có khả năng dẫn đến bị kỳ thị, thậm chí bị đào thải khỏi tập thể, quần chúng.

Hiện nay, Balazs Aczel và các đồng nghiệp đang có kế hoạch nghiên cứu cơ chế nhận thức ở người trong quá trình theo dõi và tiếp nhận thông tin từ người khác.

Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục làm việc với hy vọng có thể lý giải vì sao con người có thể cảm thấy thú vị khi chứng kiến những điều ngu ngốc.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 2,34
  • 7.312