Một cuộc chiến thú vị đầu năm 2007: Ai sẽ hạ thủ Google?

  •  
  • 76

Một cuộc chiến đang ầm ĩ nhằm hạ bệ “vua tìm kiếm” Google đang được thực hiện và gần như đối thủ nào cũng tự tin về khả năng có thể đoạt ngai vàng Google.

Công cụ tìm kiếm đầu tiên được nhắc đến là Powerset do bộ tam gồm tiến sĩ Barney Pell (tổng giám đốc điều hành), Steve Newcomb (giám đốc sản xuất) và Lorenzo Thione (thiết kế sản phẩm). Theo tiểu sử trên website Powerset (powerset.com/team.html), Barney Pell lấy bằng tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Cambridge năm 1993, từng nổi tiếng trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo với các sản phẩm cung cấp cho Cơ quan Quản trị hàng không - không gian Hoa Kỳ (NASA).

Bùng nổ cuộc chiến công cụ tìm kiếm

Steve Newcomb là chuyên gia về truyền thông trực tuyến. Và Lorenzo Thione (người Ý, thạc sĩ kỹ sư phần mềm, tốt nghiệp Đại học Texas - Austin) là chuyên gia về ngôn ngữ máy tính từng làm việc tại CommerceNet và Fuji - Xerox Palo Alto Laboratory. Dự án Powerset đang được nhiều nhà đầu tư Thung lũng Silicon bỏ tiền hùn vốn.

Powerset không là đối thủ tiềm năng duy nhất của Google. Còn là những Yahoo, Microsoft và vài gương mặt mới ChaCha.com hoặc Snap.com. Hạ tuần tháng 12-2006, người sáng lập trang web từ điển trực tuyến Wikipedia, Jimmy Wales, cũng tuyên bố tung ra công cụ tìm kiếm Wikiasari vào đầu năm 2007. Wikiasari cho ra kết quả tìm kiếm “mang tính cộng đồng”, tức cho phép người sử dụng có thể biên tập kết quả tìm kiếm, tương tự cách mà Wikipedia lâu nay áp dụng. Wikiasari còn cho phép người sử dụng “cá nhân hóa” kết quả tìm kiếm.

Với kho thông tin khổng lồ có sẵn từ Wikipedia, Wikiasari chắc chắn thuận lợi hơn trong việc sắp xếp đường dẫn và cho kết quả tìm kiếm như ý muốn. Đây thật sự là đối thủ đáng gờm nhất đối với một Google sừng sỏ. Erika Morphi trong bài viết trên LinuxInsider.com (thuộc ECT News Network) tin rằng Wikiasari sẽ là sát thủ của Google. Một trong những lợi thế của Wikipedia là thương hiệu sẵn có của họ, một tên tuổi quen và uy tín luôn dễ được đón chào hơn một kẻ lạ (như Powerset). 

Cuộc chiến công cụ tìm kiếm (thị trường trị giá khoảng 7 tỉ USD riêng tại Mỹ) đang tạo ra sinh khí mới cho Thung lũng Silicon cũng như đang tiếp năng lượng cho làn sóng bùng nổ Internet kế tiếp. Nó cũng cho thấy không gian ảo luôn tiến hóa không ngừng. Theo New York Times, từ năm 2004, giới đầu tư đã bỏ ra gần 350 triệu USD vào các dự án lập công cụ tìm kiếm với không ít hơn 79 công ty mới thành lập.

Jimmy Wales: “Wikiasari sẽ ăn đứt Google!”

Họ tập trung vào những lĩnh vực mà Google chưa phát triển hoặc chưa mạnh, chẳng hạn tìm kiếm hình động (video), blog hoặc thông tin chuyên biệt (chẳng hạn chuyên ngành y). Với Powerset, gần đây họ đã nhận 12,5 triệu USD đầu tư; Hakia nhận 16 triệu USD; Snap 16 triệu USD và ChaCha (sử dụng các nhà nghiên cứu được trả lương như những cộng tác viên để trả lời thắc mắc từ người sử dụng) nhận 6,1 triệu USD.

Tuy nhiên, trong hàng chục công cụ tìm kiếm ra đời vài năm gần đây, không công ty nào chiếm quá 1% thị phần tìm kiếm tại Mỹ vào tháng 12-2006 - như ghi nhận của Nielsen NetRatings. Thử xem trường hợp A9 - công cụ tìm kiếm được sở hữu bởi Amazon.com, từng nhận được nhiều bình luận tích cực khi nó ra đời năm 2004 dưới sự điều hành của Udi Manber, người được xem là một trong những chuyên gia thuật toán tìm kiếm hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, A9 dần mất hút vào thế giới mênh mông Internet và bây giờ Udi Manber đang làm việc cho Google với vị trí phó chủ tịch! Không nản, Jeffrey P. Bezos, tổng giám đốc điều hành Amazon.com, đang đầu tư vào công cụ tìm kiếm ChaCha. Theo Indianapolis Star (1-1-2007), ChaCha.com đang tăng dần lượng truy cập. Với loại thông tin phổ biến, ChaCha không tính tiền nhưng với thông tin đặc biệt, người sử dụng phải trả 5-10 USD/lần tìm kiếm. Cách này gần tương tự Google Answers (nay đã xóa sổ); Live QnA của Microsoft hoặc Yahoo!Answers.

Xin mở ngoặc, Google Answers trả tiền cho nhà nghiên cứu phụ trách trả lời và cũng yêu cầu người sử dụng trả tiền; Yahoo!Answers và Live QnA cho phép người sử dụng hỏi bất cứ gì và câu trả lời được các cộng tác viên làm việc miễn phí thực hiện. Ai trả lời tốt nhất sẽ được chính người sử dụng bình chọn như hình thức chấm điểm chất lượng. Gần đây, Yahoo công bố Ed Cook (cư dân Indianapolis) là một trong 25 chuyên gia giải đáp tốt nhất của họ (tính đến tháng 11-2006, Yahoo!Answers có 16,6 triệu người sử dụng).

Đến nay, Google vẫn là số 1. Tính đến ngày 30-9-2006, Google có 9.378 nhân viên làm việc toàn thời gian và theo Nielsen NetRatings, Google chiếm 54% thị phần tìm kiếm (so với 23% của Yahoo! và 13% của Windows Live Search) với khoảng 1 tỉ yêu cầu tìm kiếm mỗi ngày. Hiện có doanh thu 10 tỉ USD/năm và trị giá khoảng 125 tỉ USD, Google phát triển liên tục. 

Ba sáng lập viên của Powerset (từ trái sang: Steve Newcomb, Lorenzo Thione và Barney Pell)

Tháng 1-2006, họ tuyên bố mua Công ty quảng cáo vô tuyến dMarc; cuối năm 2006, họ mua website video trực tuyến YouTube với giá 1,65 tỉ USD. Ngoài việc hợp tác với NASA, Google còn hợp tác với America Online (thuộc Tập đoàn Time Warner) để cung cấp dịch vụ tìm kiếm video; cũng như với Fox Interactive Media (thuộc News Corp). Tuy nhiên, Google cũng bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng. Trong phóng sự trên Fortune

(2-10-2006), tác giả Adam Lashinsky cho thấy một Google hoàn toàn khác: hỗn loạn, phát triển vô tổ chức, tương lai bất ổn... Theo Sheryl Sandberg (37 tuổi, phó chủ tịch chịu trách nhiệm hệ thống quảng cáo tự động của Google), công ty đang chứng kiến tình trạng “ra quyết định tồi, hành động quá nhanh, không kiểm soát, hoang phí tiền”. Sandberg nhận ra thực tế này khi có lần phạm sai lầm nghiêm trọng và đến gặp Larry Page (đồng sáng lập Google) nhưng bị bất ngờ bởi nhận xét: “Tôi vui vì cô đã sai”! Một sai lầm gây tổn thất cả triệu đôla không thể được đánh giá bằng thái độ tương tự.

Và cổ phiếu Google cũng đang giậm chân tại chỗ. Theo các chuyên gia thị trường chứng khoán, hiện tượng khựng lại này là bằng chứng rõ nhất cho thấy Google đang có vấn đề. Khuyến khích tất cả kỹ sư dành 20% thời gian theo đuổi ý tưởng riêng, Google liên tục tung ra sản phẩm mới.

Tính đến tháng 10-2006, Google đã tung ra ít nhất 83 sản phẩm hoàn chỉnh hoặc còn trong giai đoạn thử nghiệm; và điều đáng chú ý là chẳng sản phẩm nào thay đổi diện mạo thế giới trực tuyến theo cách như Google.com từng đạt được. Các sản phẩm phụ chẳng hạn website ảnh Picasa, Google Finance hoặc Google Blog Search đã không thành công và thậm chí còn nhiều lỗi kỹ thuật...

Tuy nhiên, Google có xuống dốc hay không thì thị trường công cụ tìm kiếm vẫn bùng nổ. “Bạn không cần ngoi lên vị trí số 1 để được đáng giá hàng tỉ đôla” - nhận xét của Allen Morgan, đối tác tại Mayfield Fund (công ty vốn đã đầu tư 10 triệu USD vào công cụ tìm kiếm Snap), cho thấy thị phần công cụ tìm kiếm vẫn còn rất lớn, tiềm năng và chỉ cần chiếm một góc nhỏ miếng bánh cũng có thể “đủ ăn”."

Mạnh Kim

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 76