Mức CO2 gia tăng đe dọa loài bướm chúa

  •  
  • 156

Các nghiên cứu mới cho thấy mức độ gia tăng CO2 đang làm giảm tác dụng chữa bệnh của cây bông tai đối với bướm chúa.

Bướm chúa chỉ ăn lá cây bông tai. Sâu bướm tích lũy độc tố đắng được tìm thấy trong lá, được gọi là cardenolides, giúp chúng tránh được những kẻ săn mồi.

Trong các thí nghiệm thực địa, các nhà khoa học tại Đại học Michigan đã trồng bốn loài cây bông tai trong các điều kiện khí quyển khác nhau. Các cây này được tiếp xúc với các mức nồng độ CO2 khác nhau. Sau đó, lá cây này được phân tích trước khi được cho bướm chúa ăn.

Bướm chúa
Nồng độ CO2 gia tăng khiến tuổi thọ của bướm chúa giảm đi.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy loài cây bông tai có hàm lượng cardenolit lớn nhất trong điều kiện sinh trưởng bình thường, và chúng sẽ tạo ra lượng chất bảo vệ thấp hơn khi tiếp xúc với nồng độ CO2 cao hơn.

Các nhà khoa học phát hiện ra sâu bướm ăn bông tai tiếp xúc với nồng độ CO2 cao đã ít có khả năng chịu đựng một loại ký sinh trùng phổ biến hơn. Tuổi thọ của bướm chúa cũng giảm trung bình một tuần.

Nhà nghiên cứu Leslie Decker cho biết: “Trong trường hợp này, chúng tôi phát hiện ra một cơ chế gián tiếp, không được công nhận trước đây, do sự thay đổi môi trường đang diễn ra, đó là mức độ tăng của khí CO2 - có thể tác động lên bệnh ở bướm chúa”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nồng độ CO2 tăng có thể làm giảm các hợp chất dược phẩm được tìm thấy trong các thực vật khác nhau, trong đó bao gồm các hợp chất được sử dụng bởi con người để tạo ra nhiều loại thuốc.

Bướm chúa đã bị đe dọa bởi mất môi trường sống và các mối hiểm họa môi trường khác. Giờ đây, những phát hiện mới nhất - được công bố trên tạp chí Ecology Letters - cho thấy chúng sẽ dễ bị nhiễm ký sinh trùng hơn trong tương lai.

Cập nhật: 30/07/2018 Theo Dân Trí
  • 156