Mỹ bỏ lệnh cấm tài trợ nghiên cứu tế bào gốc

  •  
  • 418

Tổng thống Mỹ Barack Obama ký lệnh hủy bỏ các giới hạn về ngân sách đối với hoạt động nghiên cứu tế bào gốc, trong sự tán thưởng của cộng đồng khoa học. 

Ông Obama đặt bút ký lệnh hủy bỏ các giới hạn về ngân sách đối với nghiên cứu tế bào gốc vào ngày 9/3 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.


Phát biểu sau khi ký lệnh hôm qua, ông Obama khẳng định đây chỉ là một phần trong nỗ lực giảm bớt sự can thiệp của chính trị vào khoa học.

Mỗi loại tế bào trong cơ thể người trưởng thành có những chức năng riêng. Tế bào gốc trong phôi thai có thể phát triển thành mọi loại tế bào. Giới khoa học khẳng định tế bào gốc lấy từ bào thai có thể giúp con người chữa nhiều bệnh, từ tiểu đường, mù cho tới bại liệt.

Tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo lại cho rằng lấy tế bào gốc từ phôi thai là hành vi vô đạo đức vì nó có thể hủy diệt một mạng sống.

Năm 2001, tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush ban hành lệnh cấm tài trợ cho các nghiên cứu về tế bào gốc bằng ngân sách của chính phủ liên bang. Giờ đây, ông Obama lật lại quyết định đó.

"Chính phủ trước cho rằng nghiên cứu tế bào gốc đi ngược lại các giá trị đạo đức. Trong trường hợp này, tôi tin rằng khoa học chân chính và giá trị đạo đức không hề mâu thuẫn với nhau. Là một tín đồ tôn giáo, chúng ta đều có trách nhiệm quan tâm đến người khác và phải nỗ lực để làm giảm nỗi thống khổ mà bệnh tật gây ra cho con người",
tổng thống Mỹ nói.

Trước sự chứng kiến của các nhà khoa học, người mắc bệnh hiểm nghèo và nghị sĩ, Obama còn ký một bản ghi nhớ nhằm hạn chế sự can thiệp của chính quyền vào hoạt động nghiên cứu khoa học.

"Chúng ta cần phải đảm bảo rằng dữ liệu khoa học sẽ không bị bóp méo hay che giấu để phục vụ những mục đích chính trị", ông nhấn mạnh.

Từ lâu khoa học, chính trị và tôn giáo đã có mối quan hệ mật thiết với nhau trong đời sống của dân Mỹ. Với quyết định dỡ bỏ các giới hạn về tài chính đối với hoạt động nghiên cứu tế bào gốc, Obama cho thấy ông quan tâm tới khoa học hơn tôn giáo so với cựu tổng thống Bush. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách về khoa học thừa nhận rằng chính trị vẫn có một vai trò nhất định đối với khoa học.

Theo VnExpress (AP)
  • 418