Mỹ cảnh báo về "gián điệp RFID" trong tiền xu Canada

  •  
  • 674

Chính quyền Mỹ vừa ra thông cáo về một hình thức gián điệp mới gây sửng sốt công chúng. Theo đó, Bộ quốc phòng nước này khuyến cáo các nhà thầu khoán của Mỹ về phương thức gián điệp cực kỳ tinh vi: Bí mật gắn các thẻ RFID phát tần số radio siêu nhỏ bên trong vào các đồng tiền xu Canada. 

Theo lời chính quyền Bush, những đồng xu bí mật này bị phát hiện khi chúng được gài lên người các thương gia Mỹ đã gán mác an toàn, ít nhất trong 3 lần khác nhau suốt từ tháng 10 năm 2005 đến tháng giêng năm 2006 khi những người này tới Canada.

Các chuyên gia công nghệ và tình báo nhận định, nếu quả thực có những loại thiết bị phát sóng radio dạng RFID như vậy, thì người ta có thể sử dụng chúng để theo dõi bí mật nhất cử nhất động của những người mang theo đồng xu đó.

Tuy nhiên, thông cáo của Mỹ lại không nêu rõ đối tượng nào có khả năng thực hiện hành vi theo dõi các nhà thầu khoán được bảo vệ của Mỹ và động cơ của việc này là gì. Báo cáo cũng không nói rõ làm thế nào mà Lầu Năm Góc phát hiện được mánh khoé đó hay cách thức hoạt động của chip phát tín hiệu radio ra sao và thậm chí là đồng tiền nào của Canada là loại tiền có gắn thiết bị gián điệp.

Bức ảnh này được CIA Mỹ công bố, cho thấy một khoang rỗng bên trong đồng xu được thiết kế giống hệt đồng xu bằng bạc 1 USD. Khoang rỗng này từng được điệp viên Mỹ dùng để giấu các thông điệp mật, phim chụp siêu nhỏ hoặc các thẻ RFID theo dõi mà các thiết bị kiểm soát không thể phát hiện. Ảnh: AP.
Theo như Cục an ninh quốc phòng Mỹ, nơi phát ra lời cảnh báo đối với các nhà thầu khoán của Lầu Năm Góc, các chi tiết tường tận của vụ việc vẫn rất bí ẩn. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ một mực khẳng định các vụ việc như trên đều đã xảy ra và nguy cơ cảnh báo là có thật.

Bà Martha Deutscher, phát ngôn viên của Cục an ninh cho biết: “Những gì viết trong thông cáo đó hoàn toàn là sự thực. Đây thực chất chỉ là cách nói giảm nhẹ đi về sự việc, mặc dù làm thế cũng khiến nhiều người còn nghi ngờ, thắc mắc”.

Theo các chuyên gia bên ngoài thì những đối tượng nghi vấn hàng đầu là Trung Quốc, Nga hoặc Pháp – những đối tượng được xem là đang có những hoạt động tình báo bên trong Canada và có đủ trình độ tinh vi để chế tạo được loại công nghệ cỡ đó. Cục Tình báo An ninh Canada (CSIS) cho biết họ không hay biết gì về vấn đề tiền xu này.

Bà Barbara Campion, phát ngôn viên của CSIS nói: “Chúng tôi cũng vừa mới biết chuyện đó. Về điểm này, chúng tôi không biết bất cứ cơ sở nào của những lời cáo buộc”. Cũng theo lời bà này thì cục tình báo Canada cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác của Mỹ để có thể dò tìm thêm các thông tin nếu cần thiết.

Các chuyên gia đều rất kinh ngạc khi sự kiện này được khui ra cùng với công nghệ do thám ở trình độ “thượng thừa”. Song tất cả đều phủ nhận ý kiến cho rằng có thể chính phủ Canada đang dò xét hoạt động của các nhà thầu khoán Mỹ. Cục tình báo của cả hai quốc gia này vốn dĩ rất gắn bó, hoà hảo và thường xuyên trao đổi với nhau những bí mật rất nhạy cảm.

Điều đó dường như không thể tưởng tượng được”, ông David Harris, nguyên trưởng phòng hoạch định chiến lược của Cục tình báo an ninh Canada nhận xét. “Tôi không cho rằng có bất cứ một hành động nào mang tính xúc phạm với người Mỹ”.

Theo ông Harris rất có thể có những kẻ, kể cả các gián điệp nước ngoài nhắm tới mục tiêu là những người Mỹ và doanh nhân ở hải ngoại, đã can dự vào âm mưu do thám này. Ông khẳng định: “Chắc chắn có nhiều khía cạnh bí ẩn trong vấn đề này”.

Theo các chuyên gia, những loại chip phát tín hiệu radio siêu nhỏ như thế chắc chắn có giới hạn trong phạm vi truyền phát và thiết bị cảm biến không thể hoạt động xa hơn khoảng cách vài bộ (1 bộ bằng 0.348m), cũng giống như khi những thiết bị phát sóng này được giấu trong ô cửa. Phần kim loại trong đồng xu cũng sẽ gây cản trở với các tín hiệu phát ra.

Ông Katherine Albrecht, một nhà hoạt động xã hội cho rằng những công nghệ kiểu này sẽ làm tăng nguy cơ xâm hại tự do cá nhân, nói: “Tôi không biết có loại thẻ RFID phát tín hiệu nào có thể gài vừa bên trong một đồng xu lại có thể truyền phát tới độ xa hàng vài km. Nếu ai đó chế tạo được loại thiết bị này, hẳn là nó đã tiến tới được kiểu công nghệ tiến bộ nhất”.

Một phương diện nữa mà theo các chuyên gia thì việc gài bí mật công nghệ do thám vào trong đồng xu là rất nguy hiểm vì đối tượng theo dõi của các gián điệp có thể cho đồng xu đó đi hoặc dùng để mua báo hay cà phê. Tuy nhiên, họ cũng đồng ý rằng cách làm như thế không gây nghi ngờ nếu người ta phát hiện ra đồng xu trong túi hay va li.

Ông Jeff Richelson, nhà nghiên cứu đồng thời là tác giả những cuốn sách viết về CIA và các thiết bị chuyên dụng của tổ chức này nói: “Đồng xu dường như không phải là chỗ tốt nhất để gài những thiết bị như chip phát sóng RFID. Hẳn là người ta muốn đặt nó vào những thứ dễ bị bỏ quên hay tiêu đi như vậy”.

Đồng xu lớn nhất của Canada hiện nay là đồng 2 đô Toonie, loại tiền xu có bề ngang hơn 1 inch và đủ độ dày chứa được một con chip RFID siêu nhỏ. Chính CIA cũng thừa nhận nhân viên của tổ chức này đã từng dùng chỗ rỗng trong các đồng xu đô la bằng bạc của Mỹ để giấu thông tin và phim chụp ảnh.

Đỗ Dương

Theo AP, VietNamNet
  • 674