Năm bài học từ sự cố hạt nhân tại Fukushima

  •  
  • 1.346

Sự cố hạt nhân ở nhà máy Fukushima khiến dư luận cả thế giới rất lo lắng. Dưới đây là năm bài học rút ra từ Fukushima...

1. Fukushima không phải là Chernobyl

Sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, xảy ra ở Liên Xô (cũ) vào tháng 4/1986, hoàn toàn khác với những gì đang xảy ra ở Nhật lúc này. Ở Chernobyl, một cuộc kiểm tra an toàn ở lò phản ứng đang hoạt động đã phạm sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến vụ nổ khiến lõi hạt nhân hoàn toàn lộ ra. Vụ cháy nhiên liệu hạt nhân xảy ra trong vài ngày đã đưa vật liệu hạt nhân vào không khí và lan tỏa khắp Ukraine, Nga và Belarus. Nhiều đám mây phóng xạ bay khắp bầu trời châu Âu.

Ở Fukushima, những lò phản ứng đã được ngắt hoạt động thành công khi động đất tấn công Nhật. Tuy nhiên, nhiên liệu hạt nhân vẫn bị đốt nóng trong vài ngày và cần phải được làm mát. Không may, việc vận hành nhà máy gặp một loạt vấn đề ở hệ thống làm mát, khiến nhà máy phát tán một lượng nhỏ hơi nước chứa phóng xạ vào không khí.

Hệ quả là một loạt vụ nổ khí hydro xảy ra, thổi bay mái trên của nhà lò phản ứng vốn bao bọc thùng che chắn sơ cấp. Những vụ nổ này không liên quan đến hạt nhân và những lò phản ứng bên trong nhà lò gần như nguyên vẹn hoàn toàn.

Kết quả là, lượng thải phóng xạ cho đến nay vẫn rất nhỏ và không khác biệt mấy với lượng phóng xạ hằng ngày mà chúng ta chẳng thèm để tâm, như khi đi chụp x-quang. Phóng xạ từ Fukushima được so sánh với phóng xạ từ việc ăn chuối. Theo ghi nhận, chỉ số phóng xạ tại nhà máy khoảng 1 - 2 quả chuối/ngày, có lúc vọt lên 30 quả/ngày nhưng giảm ngay sau đó.


Vùng hoang tàn ven biển ở tỉnh Miyagi phủ tuyết trắng xóa (ảnh: EPA)

2. Chernobyl thực tế không phải Chernobyl như đồn đại

Chỉ cần nhắc đến cái tên Chernobyl là đã gợi lên hình ảnh của những vùng đất nhiễm xạ bị bỏ hoang, hàng chục ngàn người chết và không có gì sống nổi sau đó. Thực tế, những lò phản ứng khác tại nhà máy đã mở cửa trở lại chỉ sau 7 tháng và hàng ngàn người đã làm việc ở đó một cách an toàn thêm 14 năm nữa (một số vẫn đang tiếp tục làm việc). Khu vực xung quanh nhà máy hiện khá giống một khu bảo tồn thiên nhiên.

Tai nạn này gây ra cái chết cho hơn 50 người. Các chuyên gia đã phải tìm cách ước tính số người chết trong số những người ở những vùng xung quanh nhà máy và những công nhân vẫn làm việc hàng tuần đến hàng tháng sau sự cố. Con số 9.000 ca tử vong do ung thư công bố từ năm 2006, nhưng được tính trên hàng triệu người trên nhiều thập kỷ.

Thực tế, đây thậm chí là một phán đoán bởi vì tác động của sự cố nhỏ đến mức nó không ảnh hưởng nhiều đến thống kê y tế, trừ một bệnh hiếm gặp nhưng có thể chữa trị - ung thư tuyến giáp.

3. Lo sợ thái quá nguy hiểm hơn phóng xạ

Nỗi ám ảnh bức xạ có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Trong báo cáo năm 2006 về sự cố Chernobyl, kết quả đáng lo ngại nhất của sự cố mà các nhà nghiên cứu chỉ ra đó là hệ quả tâm lý mà sự cố gây ra, đặc biệt đối với những người phải sơ tán khỏi nơi làm việc, sinh sống và có các mối quan hệ xã hội.

"Nỗi đau buồn tâm lý phát sinh từ sự cố và hậu quả của nó vẫn ảnh hưởng sâu sắc tới hành vi cá nhân và cộng đồng", những tác giả báo cáo cho biết. "Dân cư trong vùng bị ảnh hưởng biểu hiện thái độ tiêu cực rõ nét trong các bản tự đánh giá về sức khỏe, hạnh phúc và một cảm xúc dữ dội về sự thiếu kiểm soát cuộc sống bản thân, dẫn đến tình trạng phóng đại về nguy cơ sức khỏe của phóng xạ. Dân cư bị ảnh hưởng tin rằng những người bị nhiễm phóng xạ gần như đã biết ngày tận số".


Khách hàng đến mua muối đông nghịt tại siêu thị Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc)
vì tin rằng, muối có thể giúp họ giảm nguy cơ nhiễm độc phóng xạ. (Ảnh: Reuteur)

4. Hiệu ứng truyền thông đảo chiều

Phản ứng về những sự kiện ở Nhật cho thấy rằng, có những tờ báo và đài truyền hình đã đưa tin khoa học nghiêm túc hơn so với những nỗi sợ trước đây như bệnh "bò điên" hay cây trồng biến đổi gen.

Trong khi đó, một số bài báo lại thẳng thừng gieo hoang mang với những từ như "hậu quả", "tan chảy hạt nhân", "mức phóng xạ đang tăng", "hàng ngàn người chết" nằm rải rác trên tiêu đề. Thế nhưng, hậu quả chỉ là thoáng chốc. Hiện tượng tan chảy của lò phản ứng chỉ là một mớ hỗn độn lớn và cần dọn dẹp sau đó. Như sự cố ở Đảo Three Mile Island năm 1979 ở Mỹ cho thấy, một sự tan chảy gây hậu quả không đáng kể ở môi trường rộng lớn hơn. Và các ca tử vong là do động đất và sóng thần chứ không phải do rò rỉ hạt nhân.

Tuy nhiên, đọc thêm thông tin từ nhiều bài báo, bạn có thể thấy rằng, các chuyên gia nhắc đi nhắc lại về những gì đang xảy ra ở Fukushima không phải là vấn đề lớn, không có khả năng gây chết người và mức phóng xạ thoát ra gần như không gây hại. Trên ti vi, khi các chuyên gia cố gắng trấn an dư luận, người được phỏng vấn cứ phải trả lời như một cái máy rằng không có gì đáng sợ. Thế nhưng, sự xuất hiện dày đặc của sự cố Fukushima trên báo chí khiến mọi người có cảm tưởng một điều khủng khiếp đang xảy ra.

5. Nỗi sợ bị điều khiển từ những người đứng đầu xã hội

Nói quá về mối nguy của phóng xạ một cách trực tiếp hay đầy ngụ ý từ những chính sách đề phòng của chính phủ có thể gây ra những hậu quả thực tế ở Nhật Bản ngay lúc này. Ví dụ, Thủ tướng Nhật Naoto Kan từng thúc giục mọi người bình tĩnh hay các chính quyền địa phương yêu cầu 140.000 người ở những vùng xung quanh Fukushima ở trog nhà, đóng cửa sổ... lại có thể làm tăng mối lo.

Phản ứng tốt và bình tĩnh của chính phủ Nhật trước thảm họa đã khiến người dân tín nhiệm. Tuy nhiên, cũng như nhiều chính phủ khác trên thế giới, họ không thể nắm được đánh giá đầy đủ về nguy cơ từ Fukushima, rút cuộc làm ảnh hưởng xấu đến phản ứng của người dân. Hoàng đế Akihito thậm chí từng phát biểu rằng ông "lo ngại sâu sắc" về các sự kiện tại nhà máy.


Yoshie Murakami khóc đau đớn khi nắm lấy tay người mẹ bị
chôn vui trong đống đổ nát gần nhà ở Rikuzentakata. Theo
Daily Mail, hiện đã có 25.000 người chết vì động đất và sóng
thần ở Nhật. (Ảnh: AP)

Không chỉ các chính trị gia Nhật Bản mới làm dấy lên lo ngại. Gunther Oettinger, ủy viên năng lượng châu Âu nói 16/3: "Một phần sự việc đã vượt tầm kiểm soát. Tôi không thể loại trừ những điều tệ nhất trong nhũng giờ, những ngày sắp tới".

Chính phủ Đức đã đóng cửa 7 lò phản ứng hạt nhân trong khi xem xét lại chiến lược hạt nhân trong tương lai. Chính phủ Anh cũng đề nghị việc xem xét an toàn của nhà máy ở nước họ. Làm sao một trận động đất và sóng thần ở một điểm nóng về địa chấn như Nhật lại đòi hỏi một sự đề phòng thận trọng đến vậy ở châu Âu!?

Tất nhiên, rất nhiều nhóm lợi ích khác nhau từng chụm lại để tuyên bố rằng F ukushima đại diện cho "hồi kết của hạt nhân" để thúc đẩy "đứa con cưng" của họ - năng lượng tái tạo hoặc khai thác khí đốt. Lệnh ngừng hoạt động nhà máy của chính phủ Đức không chỉ liên quan đến mối quan ngại về an toàn mà còn đến cuộc vận động chính trị.

Phản ứng đối với Fukushima minh họa rất tốt cho một vài xu hướng quyền lực trong những năm gần đây. Một mặt, chúng ta có một xã hội hợp thành bởi các cá nhân từng bị cho là yếu đuối và bất lực. Chúng ta có những lãnh đọa chính trị đang minh chứng sự tồn tại của mình bằng cách mơn trớn nỗi sợ thiên tai của người dân. Và chúng ta có một ý thức mạnh mẽ rằng nhân loại chính là mối đe dọa lớn nhất cho chính nó và cho hành tinh. Do đó, nỗi ám ảnh về thảm họa nhân tạo đến nay có trọng lượng hơn so với thảm họa thiên nhiên.

Đã đến lúc thôi ám ảnh về số phận của một nhà máy điện hạt nhân. Nếu chúng ta cứ cho thêm vào đó những nỗi sợ như đã làm trong những ngày gần đây, chúng ta có thể đối mặt với thảm họa lớn hơn: mất lòng tin vào chính nhân loại.

Bài bình luận trên được viết bởi Rob Lyons - phó tổng biên tập của báo Spiked. Tôn chỉ hoạt động được đăng trên trang này là "nâng cao tầm nhìn của nhân loại bằng cuộc chiến văn hóa chống lại thành kiến, chủ trương phản đối kỹ thuật mới, sự phi tự do và chủ nghĩa phi lý tính trong tất cả các thể chế hiện đại lẫn cổ xưa. Theo đó, Spiked sẽ được công nhận bởi những nhà tư tưởng tự do như John Stuart Mill và Karl Marx; bị bài xích bởi những tư tưởng hạn hẹp như Torquemad và Stalin... nếu như những nhân vật này có cơ hội đọc nó".
Theo Đất Việt
  • 1.346