Nam bộ: gần 50% lượng mưa là mưa axit!

  •  
  • 1.297

Tại khu vực thành phố Cần Thơ, tần suất xuất hiện mưa axit trung bình trong mười năm đã lên đến 58%, cao nhất trong bốn khu vực tiến hành nghiên cứu về loại mưa nguy hiểm này tại Nam bộ. Hay nói cách khác, cứ 100 cơn mưa đổ xuống khu vực Cần Thơ thì có 58 cơn mưa được gọi là mưa axit (độ pH trong nước mưa nhỏ hơn 5,6; độ pH càng nhỏ thì mưa axit càng nặng).

Kết quả nghiên cứu này được thực hiện liên tục trong giai đoạn 1996 - 2005, do thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Lan - Phân viện Khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam (Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường) - thực hiện.

Được xếp thứ hai, tần suất xuất hiện mưa axit ở Tây Ninh trung bình trong mười năm cũng ở con số 57,9%, thấp hơn khu vực Cần Thơ chẳng bao nhiêu. Trong khi đó, khu vực TP.HCM và Cà Mau tần suất xuất hiện mưa axit lần lượt là 41,2% và 39,8%.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Lan cho biết mưa axit xảy ra tại khu vực Nam bộ thường tập trung vào cuối mùa mưa (tháng chín, mười) và tháng chuyển tiếp từ mùa mưa sang mùa khô (tháng mười một). Kết quả phân tích nước mưa cho thấy tháng mười hằng năm là thời điểm mưa axit xuất hiện với tần suất cao nhất.

Hai hợp chất axit sunfuric (H2SO4) và axit nitric (HNO3) được giới chuyên môn xem là “thủ phạm” gây mưa axit. Còn nguồn gốc của hai hợp chất này có liên quan mật thiết đến khí dioxit sunfua (SO2) và các ôxit nitơ (NOx) trong khí quyển. Trong khi đó, SO2 và NOx chính là những chất gây ô nhiễm không khí, xuất phát từ hoạt động công nghiệp, giao thông..., hay nói cách khác đây là những sản phẩm ô nhiễm sinh ra do quá trình đốt cháy không triệt để các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ...

Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng sunphat (SO42-) và nitrat (NO3-) tại khu vực TP.HCM khá cao, trong khi tần suất xuất hiện mưa axit trung bình trong mười năm tại khu vực này chỉ 41,1%, so với 58% tại Cần Thơ và 57,9% tại Tây Ninh. Vì sao? Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Lan nhận định rằng hai thành phần canxi (Ca2+) - có nhiều trong thành phần bụi và amôni (NH4+) - chủ yếu từ hoạt động nông nghiệp, đã trung hòa tính axit trong nước mưa. Có lẽ hai thành phần trung hòa tính axit này có ở khu vực TP.HCM khá cao nên giúp giảm mưa axit so với một số nơi khác trong khu vực Nam bộ. Đây là điều may mắn cho TP.HCM nhưng cũng cho thấy khu vực này ô nhiễm bụi là nghiêm trọng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Lan cho biết kết quả thực nghiệm đã cho phép kết luận trường hợp người nuôi tôm không quản lý được nguồn nước vào mùa mưa, tôm thường bị sốc và chết khi có mưa lớn, đặc biệt là trong những tháng có mưa axit lớn. Tuy nhiên, “tác động có hại của mưa axit chỉ thể hiện rõ rệt ở các ao đầm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến” - bà Lan nhận định. Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy ứng với nước ao có độ mặn 6 phần nghìn và pH 7,2 thì lô tôm thí nghiệm chết 50% sau 72 giờ khi pH trong nước giảm 0,27-0,58 đơn vị. Tương tự, từ kết quả thực nghiệm, mưa axit có thể làm giảm 20-69% năng suất rau trồng trên hiện trường...

Giải pháp nào cho vấn đề mưa axit, theo bà Lan, “trước mắt nên kiểm soát chặt chẽ và khống chế hiệu quả nguồn ô nhiễm không khí vì đây là nguồn gốc gây mưa axit”.

QUỐC THANH

Theo Tuổi trẻ
  • 1.297