Nam Bộ hứng tiếp trận động đất 5,5 độ richter

  •  
  • 533

Vào lúc 14h55 hôm nay, tại TP HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận... lại xảy ra một trận động đất kéo dài khoảng 5 giây. Theo một số người dân, đợt rung lắc này mạnh hơn rung động xảy ra lúc 0h15 cùng ngày.

Khác với trận động đất hồi đêm, lần này hầu hết các khu vực ở TP HCM đều bị rung chuyển. Chị Thanh Hằng, nhân viên Công ty FPT, đường Võ Văn Tần, quận 3, kể lại, đang ngồi trong phòng bỗng bàn làm việc của chị rung mạnh. Máy tính như nhảy lên khỏi chỗ. Rất nhiều nhân viên văn phòng tại các cao ốc gần đó đều đổ xuống đường. Họ là những người cảm nhận thấy sự rung lắc rõ nhất do ở trên tầng cao.

Các y bác sĩ bệnh viện Columbia, quận 1, TP HCM chạy ra đường khi có động đất xảy ra lúc 14h55

Anh Bùi Quốc Bảo, đạo diễn sân khấu, cũng cho phóng viên biết, anh đang ngồi viết bài tại nhà riêng trên đường Cống Quỳnh, quận 1, thì thấy đất dưới chân chao đảo. Anh liền chạy ra đường, ở đó rất đông người dân đang tụ tập hoang mang, bàn tán. Một tài xế xe hơi cũng cho hay, khi anh đang đi trên đường Pasteur, quận 1, bỗng cảm thấy xe như hụt hẫng... Nhiều nơi khác như quận Tân Bình, Bình Tân, Phú Nhuận, quận 9, quận 2... (TP HCM) người dân cũng cảm nhận được những rung lắc tương tự cùng thời điểm trên.

Tại thành phố Vũng Tàu, chị Phạm Thị Hạnh, ngụ ở đường Tú Xương, cho biết, cảm nhận cơn rung lắc này có cường độ tương đương lúc 0h15 sáng nay. 30 phút sau khi có động đất, nhiều người dân phường 4 vẫn đứng bàn tán một cách lo ngại. Nhân viên văn phòng Công ty Schlumberger (Dịch vụ dầu khí), 65A đường 30 tháng 4, TP Vũng Tàu cho biết, ngoài cảm nhận rung lắc, một vài mảng gạch lát nền trước cửa văn phòng bị xô vào nhau, vỡ nứt.

Tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chị Nguyễn Thị Hằng kể rằng, khoảng 15h, trong khi đang ngồi họp tại Trung tâm giống vật nuôi của tỉnh thì thấy rung lắc mạnh làm đổ chiếc quạt bàn ở góc phòng. Còn tại thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, một số học sinh đang học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên khi để tay lên bàn thấy rung bần bật trong vài giây. Một số học sinh khác đang học ở lầu trên vội vàng chạy xuống dưới.

Tương tự, chị Bùi Kim Phương ở 78 đường Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, kể lại khoảng 15h, chị đang ở trong nhà và cảm thấy hiện tượng rung lắc nhẹ kéo dài 10 giây. Riêng ở thị xã Bảo Lộc, chấn động khá mạnh làm đổ cả tủ chén bát của một hộ gia đình.

Thông tin mới nhất từ Viện Vật lý địa cầu lúc 16h40, kết quả đo được từ các trạm quan trắc của Việt Nam, vị trí xảy ra động đất lúc 14h55 chiều nay là ở tọa độ 9,72 độ vĩ Bắc, 108,22 độ kinh Đông với cường độ 5,5 độ richter. Như vậy, đây là cơn động đất thứ hai xảy ra trong ngày chứ không phải chỉ là dư chấn.

Theo Viện vật lý địa cầu, tọa độ chính xác của trận động đất xảy ra lúc 0h15 là 9,96 độ vĩ Bắc và 108,17 độ kinh Đông, cường độ 5,1 richter. Hiện độ sâu chấn tiêu của các trận động đất trong ngày vẫn chưa xác định được.  

Đánh giá về cơn động đất vừa xảy ra, Giáo sư Lê Minh Triết thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng một số quận của TP HCM như Bình Chánh, Bình Tân... đã xảy ra những chấn động cấp 6, căn cứ vào hiện tượng ngã đổ ghế, đập cửa kiếng khi có rung chấn. Những khu vực chỉ có rung chấn nhẹ thì có khả năng chấn động cấp 3, 4 hoặc tối đa là 5. "Đây là lần đầu tiên các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng lan tỏa của động đất có chấn động cấp 6", ông Triết cho biết.

Trận động đất lúc 0h15 sáng nay tại khu vực Nam Bộ đã được các trạm quan trắc Viện Vật lý địa cầu đo được cường độ là 5,1 độ richter. Trưởng phòng Quan sát động đất 1 Viện Vật lý địa cầu Lê Tự Sơn cho biết, tất cả các trạm quan trắc động đất ở Việt Nam và thế giới đều đo được, song mỗi trạm thông báo về cường độ lại khác nhau. Có nơi đo được 4,9 độ nhưng cũng có trạm thông báo chỉ 4 độ richter. Giải thích điều này, ông Sơn cho rằng do cách tính quan trắc của mỗi quốc gia có khác nhau nên cho kết quả chênh lệch. Sau khi áp dụng các biện pháp đối chiếu khoa học, Viện vật lý địa cầu chính thức thông báo cường độ trận động đất lần này là 5,1 độ richter.

Đến đầu giờ chiều nay, theo thông tin từ các trạm quan trắc thế giới, Viện Vật lý địa cầu kết luận sơ bộ: tọa độ trận động đất ở 10 độ vĩ Bắc, 108 độ kinh Đông, ngoài khơi Biển Đông cách bờ biển Vũng Tàu 100 km, nằm trong vùng giao nhau của các đới đứt gãy Nam Côn Sơn, Thuận Hải - Minh Hải - Cà Mau và đứt gãy kinh tuyến 110 ngoài khơi Biển Đông.  

Nhân viên tại trung tâm thương mại Diamond Plaza lục đục kéo nhau ra về sau dư chấn.

Trận động đất này ảnh hưởng rộng đến các tỉnh Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ với cường độ cao nhất trong các đợt động đất đã xảy ra ở khu vực từ trước đến nay. Tuy nhiên, sóng thần khó có khả năng xảy ra ở vùng Biển Đông do đặc điểm địa lý đáy biển không phù hợp. 

Giáo sư Lê Minh Triết, Chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam khẳng định, trong trường hợp động đất ở khu vực Biển Đông, sóng thần khó có khả năng xảy ra. "Điều kiện để xảy ra sóng thần là cường độ động đất trên 6 độ richter cộng với đáy biển phải có độ trồi sụt nhất định. Trong khi những trận động đất mạnh nhất đo được trong khu vực cho đến nay là 5,2 độ richter, và ước tính tối đa chỉ ở khoảng 5,5 độ nên sóng thần trên Biển Đông khó xảy ra", ông Triết giải thích.  

So với trận động đất xảy ra hồi tháng 8, theo nhiều người dân chứng kiến thì lần này mặc dù ít đợt dư chấn hơn nhưng cường độ lại mạnh hơn. Anh Trần Thanh Bình, ngụ chung cư Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận cho biết, gia đình anh ở tầng trệt chung cư nhưng cảm nhận về dư chấn rất rõ. "Mặt đất rung lên như có chiếc xe tải hạng nặng chạy qua mặc dù nhà tôi ở cách mặt đường lớn hơn 100 m", anh Bình nói. Hoảng loạn cũng xảy ra tại các hộ dân chung cư Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh vì những dư chấn mạnh cũng ảnh hưởng đến khu vực này.

Đây là lần thứ 3 trong năm, động đất xảy ra ở các tỉnh phía Nam và sóng chấn lan truyền đến TP HCM, sau hai trận động đất vào tháng 8 và ngày 18/10.

Tại sao liên tiếp có động đất xảy ra trong khu vực này thời gian qua, trong khi nhiều năm trước danh từ này còn khá xa lạ với người Nam Bộ? Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Lê Minh Triết cho biết, có khả năng các đới đứt gãy phía Nam đang trở lại chu kỳ hoạt động.

"Tuy nhiên tôi không khẳng định điều này vì những nghiên cứu động đất ở phía Nam chỉ mới có thời gian ngắn và còn ít ỏi nên chưa đủ số liệu để khẳng định về quy trình mỗi chu kỳ", ông Triết nói. Viện trưởng Viện vật lý địa cầu Nguyễn Ngọc Thủy cũng cho rằng, yếu tố đầu tiên được các nhà khoa học nghĩ đến là do các đới đứt gãy vào chu kỳ tái hoạt động. "Nhưng muốn khẳng định điều này thì đòi hỏi phải có những công trình nghiên cứu khoa học trong khi kinh phí hiện nay chưa cho phép", ông Thủy phân trần.  

Nhìn lại 3 trận động đất vừa xảy ra trong vòng 4 tháng qua và sóng chấn ảnh hưởng đến TP HCM, ông Triết cho rằng với những rung động đã xảy ra thì động đất chỉ ở dưới cấp 5 (cấp động đất tính theo mức độ gây thiệt hại thấy được trên bề mặt). "Cấp 5 sẽ gây chấn động mạnh hơn, người trong nhà và cả đang đi ngoài đường hay ngủ đều cảm nhận được. Vật nuôi trong nhà cũng có thể nhận biết trước được và động đất cấp này sẽ làm sập nhà xây không kiên cố", ông Triết nhận xét. Động đất cấp 6 mới gây nên những hư hại lớn cho khu vực như cây cối đổ, sập nhà, nứt đất... Tuy nhiên ông Triết cho rằng: "Căn cứ vào những trận động đất đo được trong lịch sử miền đất phía Nam, đồng thời trên bản đồ phân vùng động đất Việt Nam và thế giới thì cũng khó xảy ra động đất trên cấp 5 tại các đới đứt gãy phía Nam".  

Ông Lê Tự Sơn cũng nhấn mạnh có khả năng đang xảy ra một chuỗi động đất tại các đới đứt gãy phía Nam và rung động ảnh hưởng đến các tỉnh trong khu vực. "Đây là hiện tượng động đất cường độ không lớn nhưng xảy ra liên tục một thời gian có thể vài tháng hay 1 năm rồi hết. Loại động đất này không đáng lo do năng lượng đã lan tỏa dần nên khó xảy ra tác động mạnh, so với động đất "nằm im" không có dấu hiệu rồi bất chợt nổi lên mạnh mẽ như ở Pakistan vừa qua", ông Sơn nhấn mạnh. Ông Sơn cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam chưa thể dự báo được động đất nhưng ước đoán có thể còn tiếp tục xảy ra nhiều trận động đất khác với cường độ tương đương 3 đợt động đất vừa qua tại các đới đứt gãy phía Nam.

Làm gì khi xảy ra động đất?

Nếu đang ở nhà, trong lớp học hoặc trong cao ốc: Ngồi xuống sàn nhà. Chui xuống một gầm bàn lớn hay giường nếu nó có thể chịu được nhiều vật rơi, như thế khi nhà sập vẫn có khí thở. Nếu bàn chuyển động, đi theo bàn; nếu không có chỗ nấp, nên tìm một bức tường để ghé sát vào, dùng cánh tay bảo vệ đầu và cổ. Tránh những nơi nguy hiểm như gần cửa sổ, bên dưới những vật treo trên trần nhà, gương hoặc đồ nội thất có chiều cao lớn. Tránh xa những vật có thể rơi xuống. Nếu đang ở trong nhà bếp, tránh xa tủ lạnh, bếp và tủ chén bát. Nếu điện cúp, dùng đèn pin. Đừng dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn. Che mặt và đầu để khỏi bị các mảnh vụn rơi trúng. Không nên dùng thang máy. Nếu bạn nấp bên dưới một vật dụng nội thất cứng cáp, bạn nên giữ chặt nó và ở trong tư thế sẵn sàng di chuyển theo nó. Giữ ở tư thế này cho đến khi mặt đất hết rung chuyển và cảm thấy an toàn để di chuyển.

Nếu ở ngoài trời: Di chuyển ngay đến vị trí thoáng đãng, tránh xa cây cối, bảng hiệu, nhà cửa hay bên dưới đường dây điện và cột. Tránh xa các tòa nhà và dây điện. Tìm chỗ trống mà đứng. Nếu đang đi trên lề đường gần các tòa nhà, hãy nấp bên dưới cửa ra vào để khỏi bị gạch, kính, vữa tường và các loại mảnh vụn khác rơi xuống. Nếu đang lái xe (ôtô), ghé vào lề đường và dừng lại. Tránh các cầu vượt, đường dây điện và những thứ nguy hiểm khác. Ở lại trong xe cho đến khi hết chấn động.

Nếu đang ở trong siêu thị đông người: Không nên đổ xô đến lối ra. Tránh xa những kệ hàng chứa các vật dễ rơi.

Nếu đang ở trong sân vận động hoặc rạp hát: Ngồi lại trong ghế, dùng tay bảo vệ đầu. Đừng nên di chuyển cho đến khi hết chấn động. Nếu thấy mọi thứ đã ổn, rời khỏi đó một cách trật tự.

Nên chuẩn bị đối phó với dư chấn và ý thức trong đầu nơi mình sẽ ẩn nấp khi có dư chấn. Dư chấn có thể xảy ra theo sau động đất vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.

SƠN NGUYỄN
(Theo Trung tâm Quản lý tình huống khẩn cấp của Mỹ)

Nhóm phóng viên

Theo VnExpress
  • 533