Nam Cực đang ấm lên

  •  
  • 1.336

Nhiều nhà khoa học cho rằng Nam Cực không chịu tác động của hiệu ứng nhà kính, nhưng một nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trung bình trên toàn bộ lục địa lạnh nhất hành tinh này đang tăng như các vùng khác trên địa cầu. 

Một góc Nam Cực. Ảnh: Photomas.


Khi công bố báo cáo về tình trạng ấm lên toàn cầu vào năm 2007, Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu tuyên bố: “Đa số lục địa trên Trái đất đều trải qua tình trạng ấm lên trong 50 năm qua, trừ Nam Cực”. Gareth Williams, một chuyên gia về Nam Cực của Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên hoàng gia Anh, khẳng định rằng Nam Cực là một ngoại lệ bởi người ta chưa có đủ bằng chứng cho thấy băng ở cực nam của hành tinh đang ấm lên.

Nhưng Eric Steig, một chuyên gia thuộc Đại học Washington (Mỹ) và đồng nghiệp sử dụng dữ liệu vệ tinh để chứng minh rằng nhiệt độ trung bình tại Nam Cực đã tăng lên 0,5 độ C trong khoảng thời gian giữa 1957 và 2006. Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng 0,6 độ C trong 50 qua. 

Bản đồ về tình trạng ấm lên của Nam Cực. Khu vực màu đỏ có mức tăng nhiệt độ lớn nhất. Ảnh: Newscientist.


Phần lớn trạm dự báo thời tiết tại Nam Cực được xây dựng gần bờ biển và chỉ có hai trong số đó cung cấp thông tin về khí hậu của vùng nội địa của Nam Cực. Do đó chúng không thể cung cấp dữ liệu toàn diện về lục địa này. Việc sử dụng dữ liệu vệ tinh và các phương pháp thống kê giúp Eric và cộng sự có được cái nhìn tổng thể về khí hậu Nam Cực.

Kết quả phân tích cho thấy tình trạng ấm lên diễn ra không đồng nhất trên Nam Cực. Nhiệt độ ở khu vực phía tây tăng nhanh hơn so với khu vực phía đông. “Các mô hình giả lập cho thấy các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ trung bình của Nam Cực tăng lên”, Eric tuyên bố.

Theo Eric, khối băng khổng lồ ở phía tây của Nam Cực có nguy cơ tan chảy cao hơn so với khối băng phía đông. Nếu điều đó xảy ra, mực nước biển trên toàn cầu sẽ dâng lên. Tuy nhiên, David Vaughan, một chuyên gia làm việc tại Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên hoàng gia Anh, lại cho rằng băng ở Nam Cực tan vì sự gia tăng nhiệt độ nước biển, chứ không phải sự gia tăng nhiệt độ không khí.

Theo VnExpress (Newscientist)
  • 1.336