Năm nước tiểu vùng Mekong chống ô nhiễm khói mù

  •  
  • 746

Ngày 29/2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của Ban chỉ đạo cấp Bộ trưởng tiểu khu vực về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới tiểu vùng sông Mekong.

Hội nghị lần này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đăng cai tổ chức, với sự tham dự của đại diện 5 nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam, cùng đại diện Ban thư ký ASEAN.

Ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam khẳng định do biến đổi khí hậu, tình hình khô hạn cũng như thiên tai đang xảy ra ngày càng nhiều hơn. Trong khi đó, rừng được xác định có vai trò hết sức quan trọng trong việc đối phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, các quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong và nhất là Việt Nam cần tăng cường hợp tác toàn diện để bảo vệ và phát triển rừng, đối phó với biến đổi khí hậu.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ", xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng tăng lên đáng kể, số vụ cháy đất cháy rừng giảm, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 40% đã góp phần giảm ô nhiễm khói mù.

Do biến đổi khí hậu, tình hình khô hạn cũng như thiên tai đang xảy ra ngày càng nhiều hơn
Do biến đổi khí hậu, tình hình khô hạn cũng như thiên tai đang xảy ra ngày càng nhiều hơn

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ cải cách thể chế cơ chế chính sách cũng như tăng cường nguồn nhân lực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, kiểm soát các vụ cháy rừng, cháy đất, phấn đấu đưa độ che phủ rừng đạt 45%.

Thay mặt Nhóm đánh giá kỹ thuật về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới tiểu vùng sông Mekong, ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam, cho biết trong thời gian qua, các nước trong tiểu vùng sông Mekong đã có các kế hoạch hành động quốc gia nhằm quản lý khói mù trong mùa khô. Điển hình như Myanmar đã triển khai phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng cháy rừng, tập trung chuyển đổi hình thức canh tác, du canh du cư sang định cư; Campuchia tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực cấp huyện, xã; Việt Nam cũng có nhiều chính sách mới về bảo vệ và phát triển rừng.

Các quốc gia trong khu vực này còn tăng cường phối hợp trong quản lý khói mù và lửa, chia sẻ các thông tin để tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo cháy rừng cho khu vực, cũng như phân loại mức độ nguy hiểm của lửa. Nhờ vậy, các mục tiêu về kiểm soát lửa và khói mù tại tiểu vùng sông Mekong đã cơ bản hoàn thành. Các điểm nóng về cháy rừng đã giảm từ 87.000 điểm vào năm 2009 xuống còn 78.321 vào năm 2011.

Các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ những sáng kiến giảm nhẹ tình trạng cháy đất, cháy rừng và kiểm soát ô nhiễm khói mù trong mùa khô năm nay; khẩn trương tiến hành xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm các vụ cháy trong khu vực; đồng thời cũng nhất trí phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2015 có không quá 50.000 điểm nóng về cháy rừng.

Tại Hội nghị, đại diện Ban thư ký ASEAN cũng cho biết về tiến độ thực hiện các dự án hợp tác với các đối tác quốc tế như Dự án phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn ở khu vực Đông Nam Á được sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu nhằm thúc đẩy quản lý bền vững các vùng đất than bùn trong ASEAN để duy trì sinh kế tại địa phương, làm giảm nguy cơ cháy và khói mù, góp phần quản lý môi trường toàn cầu; quản lý bền vững rừng đất than bùn ở Đông Nam Á được Liên minh châu Ân hỗ trợ trên vùng đất than bùn cho các nước ở tiểu vùng sông Mekong.

Theo Vietnam+
  • 746