Nga sợ tụt hậu trong cuộc đua vào vũ trụ

  •  
  • 581

Việc hàng loạt tàu vũ trụ của Mỹ về hưu trong 3 năm tới sẽ đưa Nga trở thành nhà vận chuyển chủ yếu trong việc đưa các phi hành đoàn lên xuống Trạm Không gian quốc tế (ISS). Nhưng vẫn có nhiều lo ngại cho ngành du hành của Nga.

Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2006, Nga là nước đứng đầu thế giới trong cuộc chạy đua vào vũ trụ khi chiếm tới 45% các cuộc phóng tàu lên không gian. Tuy nhiên, một số chuyên gia vũ trụ đang bày tỏ sự lo lắng vì ngành công nghiệp vũ trụ của nước này khó có thể đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao trong tương lai.

Năm 2006, Nga đã 24 lần phóng tàu vũ trụ, nhưng năm 2007 sẽ phải giảm xuống còn 20 lần do ngân sách eo hẹp. Ngân sách dành cho chương trình vũ trụ của Nga năm 2006 là 873 triệu USD, năm 2007 dù nhu cầu cao hơn nhưng cũng chỉ có thể tăng lên 912 triệu USD.

Sáng 8/4, tàu Soyuz rời bệ phóng ở sân bay vũ trụ Baikonur đưa 2 phi hành gia Nga và tỷ phú Mỹ Charles Simonyi lên ISS du lịch và mang về khoản thu gần 25 triệu USD. Tuy nhiên, Soyuz được ví như con ngựa già đã gần kiệt sức trong chương trình vũ trụ quốc gia tồn tại suốt 40 năm qua. Hiện nay, mỗi năm Nga chế tạo được 2 tàu vũ trụ Soyuz có người lái và 4 tàu “Tiến bộ” chở hàng không người lái.

Theo kế hoạch, từ năm 2010, đội tàu sẽ tăng lên 4 tàu Soyuz và 7 tàu “Tiến bộ”. Nhu cầu ngày càng lớn, nhưng các khoản đầu tư của Chính phủ cho thế hệ tàu vũ trụ mới vẫn rất hạn chế.

Tàu Soyuz rời bệ phóng

Tàu Soyuz rời bệ phóng (Ảnh: TP)

Nhiều chuyên gia của Nga cho rằng, để có thêm nhiều tàu vũ trụ mới chính quyền nên huy động nguồn tài chính từ các dự án khác. Thực tế cho thấy, du lịch vũ trụ mang về những khoản thu khổng lồ cho ngành công nghiệp vũ trụ Nga.

Nhà du hành Pavel Vinogradov – người vừa trở về từ ISS cuối năm 2006 - cảnh báo nếu không nhanh chóng cho ra đời thế hệ tàu vũ trụ mới, Nga có thể tụt hậu so với Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và các nước khác. Mỹ đứng thứ 2 thế giới về số lần phóng tàu vũ trụ (năm 2006) với 18 lần, Nhật Bản và Trung Quốc đứng thứ 3.

Ông Pavel nói: “Mỹ sẽ nhanh chóng có hạm đội tàu vũ trụ mới và chúng ta sẽ tụt hậu với những con tàu cũ mà không ai còn cần đến chúng”. Theo kế hoạch, khoảng năm 2015 Mỹ sẽ cho ra đời thế hệ tàu vũ trụ Orion có người lái.

Công nghiệp vũ trụ Nga bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế tăng trưởng chậm sau khi Liên Xô sụp đổ. Ngành này không được đầu tư thiết bị hiện đại, trong khi phải chịu sự “chảy máu” chất xám.

Chương trình vũ trụ của Nga tồn tại được chủ yếu nhờ việc phóng các vệ tinh thương mại cho nước ngoài, nguồn thu từ việc vận chuyển thuê các nhà du hành của nhiều nước và du lịch vũ trụ.

Chính phủ Nga bắt đầu đầu tư cho chương trình vũ trụ khi có những nguồn thu từ dầu lửa, nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu tài chính quá lớn trong việc thay thế thế hệ tàu vũ trụ có từ thời Liên Xô.

Thế hệ tàu Soyuz và “Tiến bộ” có từ giữa những năm 1960 và vẫn là niềm tự hào của người Nga về mức độ an toàn so với tàu vũ trụ của Mỹ và họ chỉ cần cải tạo hệ thống điều khiển. Tuy nhiên, Soyuz chỉ có thể mang được khoảng 60 kg hàng trở về Trái Đất cùng với phi hành đoàn nên bị hạn chế trong việc vận chuyển các thiết bị để thực hiện thí nghiệm khoa học. Tàu “Tiến bộ” không người lái chỉ có thể vận chuyển được 2,75 tấn hàng lên ISS.

Ba nhà du hành trên tàu Soyuz phải ở yên trên ghế trong cuộc hành trình 2 ngày từ Trái đất lên ISS và còn nhiều hạn chế khác làm giảm khả năng cạnh tranh trong việc vận chuyển thuê và kinh doanh du lịch vũ trụ.

T.Đ (Tổng hợp)

Theo Tiền phong
  • 581