Người Anh và Trung Quốc làm toán khác nhau

  •  
  • 2.377

Tư duy của người nói tiếng Anh bản địa khác xa so với người dùng tiếng Trung làm ngôn ngữ mẹ đẻ. Cả hai đều dễ dàng giải những bài toán số học, song sử dụng các vùng não khác nhau.

Ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy những vùng não loé sáng khi người Trung Quốc bản địa (hai hàng trên) và người Anh bản địa (hai hàng dưới) thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến biểu tượng (cột bên trái) và con số (cột bên phải).

Ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy những vùng não loé sáng khi người Trung Quốc bản địa (hai hàng trên) và người Anh bản địa (hai hàng dưới) thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến biểu tượng (cột bên trái) và con số (cột bên phải). Ảnh PNAS

Một nhóm nghiên cứu đã sử dụng các bức ảnh chụp não để tìm hiểu vùng nào trên não loé sáng khi người ta thực hiện những con tính đơn giản, chẳng hạn 3 cộng 4 bằng 7. Tất cả người tham gia đều sử dụng hệ thống chữ số Ảrập - được sử dụng trong cả hai nền văn hoá: Anh và Trung Quốc.  

Cả hai nhóm đều vận dụng đến một vùng não có tên gọi vỏ dưới đỉnh, liên quan đến việc đọc và hình dung số lượng.

Tuy nhiên, nếu như người nói tiếng Anh gốc có thêm hoạt động ở vùng xử lý ngôn ngữ, thì người Trung Quốc bản địa lại sử dụng thêm một vùng não để xử lý thông tin thị giác.

Sự khác biệt này "có thể có nghĩa rằng người nói tiếng Trung Quốc xử lý vấn đề theo một cách thức khác hẳn so với người nói tiếng Anh", trưởng nhóm nghiên cứu Yiyuan Tang từ Đại học Công nghệ Dalian ở Dalian, Trung Quốc cho biết.

"Chúng tôi tin rằng ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong việc làm toán", Tang nói. Nhưng ông bổ sung thêm rằng các yếu tố văn hoá cũng có thể giữ một vai trò nào đó, chẳng hạn chiến lược học toán và giảng dạy tại trường.

Những khác biệt văn hoá này có thể giúp các nhà khoa học phát triển chiến lược tốt nhất để làm toán, Tang giải thích. "Có thể là tồn tại những chiến lược nào đó tối ưu hơn cả, dù được sử dụng với những ngôn ngữ khác nhau", ông nói.

Richard Nisbett, đồng giám đốc của Chương trình Nhận thức và Văn hoá tại Đại học Michigan, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu, nhận xét: "công trình này là quan trọng vì nó nói với chúng ta về những con đường đặc biệt trong não làm nền tảng cho một vài khác biệt giữa người châu Á và người phương tây trong vấn đề tư duy".

Năm ngoái Nisbett đã tìm thấy sự khác biệt trong cách mà người châu Á và người Bắc Mỹ xem tranh. Ông theo dõi cử động mắt và tìm ra rằng, khi quan sát một bức họa, các sinh viên Bắc Mỹ tập trung nhiều hơn đến vật thể nổi bật trên nền, trong khi sinh viên Trung Quốc dành nhiều thời gian hơn để xăm soi cảnh nền và chú ý đến toàn cảnh.

"Theo đúng nghĩa đen họ quan sát thế giới theo những cách khác nhau", ông nói.

T. An

Theo AP, Vnexpress
  • 2.377