Người dân Ai Cập vứt gà vịt xuống nước chặn dịch cúm

  •  
  • 365

Khi Attia Abdel-Hamid Hassan thấy gà vịt nuôi trong nhà ở tiểu vùng sông Nile thuộc Ai Cập bắt đầu có dấu hiệu run rẩy, đứng không vững, anh nhét chúng vào một cái bao và vứt xuống kênh tưới tiêu nước.

Những người hàng xóm của anh, vì sợ sự lan tràn của đại dịch cúm gia cầm đến nay đã làm 13 người Ai Cập tử vong, cũng làm tương tự như vậy. Toàn bộ người dân ở làng Ezbet Sidi Omar, cách Thủ đô Cairo 40 km về phía bắc, đều đang nỗ lực tự bảo vệ mình khỏi loại virus chết người H5N1 đang lan tràn ở Ai Cập - nước có số người mắc cúm cao nhất thế giới - ngoài châu Á.

Các quan chức y tế cho hay, thói quen truyền thống nuôi giữ gia cầm trong nhà đã góp phần làm dịch cúm gia tăng ở quốc gia đông dân nhất xứ Ảrập, đã có 24 người mắc bệnh kể từ khi dịch cúm bùng phát ở một nông trại một năm trước đây. "Một tuần trước, tôi có 10 con gà bị ốm và tôi vứt chúng xuống nước", Hassan, một lái xe 36 tuổi đã vứt khoảng 200 con gà, 100 con vịt xuống nước kể từ khi cúm gia cầm xuất hiện ở Ai Cập, nói.

Anh nghi ngờ gia cầm của mình bị nhiễm virus. Nhưng giống như hàng xóm, anh không biết một cách chắc chắn vì chúng không được xét nghiệm.

(Ảnh: VNN)Ai Cập đã yêu cầu người dân thành phố không nuôi gia cầm trong nhà, nhưng thói quen ấy vẫn tồn tại phổ biến ở vùng nông thôn, nơi có khoảng 5 triệu gia đình sống phụ thuộc vào nguồn thu từ gia cầm.

Cũng giống như rất nhiều người dân nông thôn Ai Cập, làng Ezbet Sidi Omar phớt lờ khuyến cáo không nuôi gia cầm trong nhà, mang mặt nạ, găng tay khi tiếp xúc với gia cầm hoặc thông báo cho chính quyền biết khi có gia cầm bị ốm hay chết.

Ai Cập đã từng kiểm soát dịch cúm một cách chặt chẽ ở những nông trại nuôi gia cầm, nơi gà vịt được tiêm vaccine phòng bệnh. Ở một nhà máy ấp trứng của Ai Cập, cung cấp khoảng 400.000 gà giống mỗi ngày, các công nhân thường xuyên được tẩy uế trước khi vào nhà máy, họ đều mang trang phục, mũ bảo vệ, đi ủng, rửa tay tẩy uế mỗi lần vào phòng ấp trứng hay chăm sóc gà giống. Kể từ khi dịch cúm xuất hiện ở Ai Cập, các công nhân bắt đầu tiêm chủng bằng tay với gà một ngày tuổi, sinh ra từ những quả trứng được tẩy uế của gà vịt đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Ban quản lý nhà máy cho rằng, việc tiêm vaccine tự động có thể để sót gà vịt.

"Chúng tôi càng tăng cường sự thận trọng mặc dù đã có cả một hệ thống phòng trừ trước đây'', Wadi Hatcheries, quản lý nhà máy cho biết. ''Trước đây, chúng tôi lo lắng về dịch cúm ở đây, hiện nay, chúng tôi lo lắng những gì đang diễn ra bên ngoài''.

Ai Cập không thể thực thi những biện pháp bắt buộc phòng cúm gia cầm tương tự ở các nông trại và cơ sở ấp trứng vùng nông thôn. Đồng thời, buôn bán gà lậu khiến gia cầm chưa tiêm phòng vẫn tiếp tục được trao đổi.

Quốc hội Ai Cập đang làm việc cho một quy định về vận chuyển gia cầm sống giữa các tỉnh cũng như quy định về giết mổ gia cầm.

Theo Saber Abdel Aziz Galal, một chuyên gia nghiên cứu gia cầm của Bộ Nông nghiệp Ai Cập, nước này đã cung cấp vaccine miễn phí cho các hộ nuôi gia cầm, các công nhân đến từng nhà đã thực hiện việc tiêm chủng tại 45 triệu trong số 100-200 triệu hộ nuôi gia cầm. Tuy nhiên, những đội nhân viên tiêm phòng lại gặp phải sự cản trở của người dân khi họ giấu gia cầm vì sợ gà vịt bị đem đi tiêu hủy.

Ở một số hộ nghèo, vài người dân còn phủ nhận nuôi gia cầm trong nhà thậm chí các thành viên đã có người bị ốm. "Họ từ chối báo cáo về gia cầm mắc bệnh. Họ cũng chẳng nói khi xảy ra việc gia cầm chết hàng loạt'', John Jabbour thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.

Theo người dân làng Ezbet Sidi Omar, gia cầm đã bị tập trung tiêu hủy vào năm ngoái khi bốn người trong cùng một tỉnh tiếp xúc với gia cầm thì có hai người tử vong. Tuy nhiên, gà vịt lại bí mật ''trở lại'' các hộ chăn nuôi. Một số người dân nói cũng muốn ''giải phóng'' số gia cầm của họ nhưng cuộc sống giật gấu vá vai vẫn luôn tồn tại và không thể thiếu trứng cũng như thịt gia cầm đảm bảo nhu cầu protein hàng ngày. "Dĩ nhiên, chúng tôi cũng sợ dịch cúm gia cầm. Nhưng chúng tôi là những nông dân, và cuộc sống thì quá đắt đỏ'', Hassan nói.

Kỳ Thư

Theo Reuters, VietNamNet
  • 365