Người Tây Tạng sống được trên núi cao nhờ "họ hàng” tuyệt chủng

  •  
  • 3.070

Theo báo cáo gần đây của các nhà khoa học, sở dĩ người Tây Tạng có thể sinh sống trên những khu vực có độ cao lớn là nhờ vào một gene đặc biệt, thừa hưởng từ một chi đã tuyệt chủng của loài người.

Tổ tiên của người Tây Tạng ngày nay đã từng sở hữu một biến thể quan trọng của một gene giúp điều hòa oxy trong máu nhờ lai với một giống người mang tên Denisovan.

Cùng thời với người Neanderthal và cũng có số phận giống như họ, có thể đã bị xóa sổ bởi sự hiện diện của người hiện đại Homo sapien, người Denisovan và sự hiện diện của họ trong lịch sử phát triển của loài người mới chỉ được các nhà khoa học phát hiện ra cách đây khoảng bốn năm.

Sự tồn tại của người Denisovan được xác định thông qua một mảnh xương ngón tay và hai răng hàm được khai quật tại hang Denisovan, phía Nam núi Altai, Siberia. Những manh mối này có niên đại lên tới khoảng 80.000 năm về trước.

Trình tự gene cho thấy trước khi người Denisovan biến mất hoàn toàn với tư cách một chi nhánh riêng biệt, họ đã kết hợp với người Homo sapien và để lại những dấu vết vẫn còn lại trong bộ gene người ngày nay.

Người Tây Tạng sống được trên núi cao nhờ "họ hàng” tuyệt chủng
Người Tây Tạng sống trên núi Karuola. (Nguồn: AFP)

Trong một nghiên cứu được đăng trên tờ Nature, các nhà khoa học ở Trung Quốc, Tây Tạng và Mỹ đã so sánh hệ gen của 40 người Tây Tạng và 40 người dân tộc Hán.

Quá trình nghiên cứu đã cho thấy rằng nằm sâu trong mã gene của người Tây Tạng là một biến thể bất thường của một gene mang tên EPAS1. Gene này điều hòa việc sản xuất haemoglobin, loại phân tử vận chuyển oxi trong máu.

EPAS1 được kích hoạt khi nồng độ oxi trong máu giảm, khiến cho cơ thể sản sinh ra nhiều haemoglobin.

Ở độ cao lớn, các biến thể thường gặp của gene này khiến cơ thể người sản xuất quá nhiều haemoglobin và tế bào hồng cầu, làm cho máu trở nên đặc và khó lưu thông, một nguyên nhân gây ra tăng huyết áp, trẻ sơ sinh nhẹ cân và tử vong sơ sinh.

Tuy nhiên, biến thể được tìm thấy trong hệ gene của người Tây Tạng lại làm tăng lượng haemoglobin ở mức thấp hơn nhiều, do đó tránh được các vấn đề liên quan đến thiếu oxi ở những người chuyển tới sinh sống tại các địa điểm có độ cao lớn hơn 4.000m.

Rasmus Nielsen, giáo sư ngành sinh học tại Đại học California, Berkeley, Mỹ, cho bieeta: “Chúng tôi có những bằng chứng rất rõ ràng chứng minh rằng phiên bản này của gene đến từ người Denisovan. Điều này cho thấy một cách rất rõ ràng và trực tiếp, rằng con người tiến hóa và thích nghi với môi trường mới bằng cách lấy các gene từ những loài khác".

Biến thể gene EPAS1 ở người Tây Tạng gần như trùng khớp hoàn toàn với mẫu của người Denisovan.

Tuy nhiên ngoại trừ đối với người dân tộc Hán, thì không hề có dấu vết nào của biến thể đặc biệt này trong hệ gene của các nhóm dân tộc khác có liên hệ với người Denisovan, bao gồm người Melanesian với tỷ lệ hệ gene di truyền từ người Denisovan cao nhất, lên tới 5%.

Nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các nhóm người Homo sapien đã ra khỏi châu Phi và lai với người Denisovan trong quá trình di cư qua Trung Á tới Trung Quốc.

Nhóm người di cư này sau đó tách ra thành hai nhóm nhỏ, một nhóm di cư tới Tây Tạng, nhóm còn lại ở lại nhằm thống lãnh vùng đất thấp, và dần trở thành người dân tộc Hán ngày nay.

Theo kết quả điều tra, nhờ có việc tiếp tục sinh sản trong phạm vi từng bộ lạc, 87% người Tây Tạng đã lưu giữ được biến thể quý hiếm của gene EPAS1, so với chỉ 9% người dân tộc Hán, mặc dù họ có cùng tổ tiên.

Các nhà khoa học tin rằng nhiều bí ẩn khác về kho tàng gene di truyền của con người sẽ còn được tiết lộ trong tương lai.

Theo Vietnam+
  • 3.070